Tác giả: Đứa con Fyan
Lịch sử của một vùng đất được đánh dấu bằng sự xuất hiện con người đầu tiên sinh sống tại đó. Tây Nguyên cũng vậy, đây là một vùng đất đã có cư dư dân sinh sống từ rất lâu đời. Tuy nhiên, do không có chữ viết theo lối hiểu hiện đại và cư dân nơi đây có ký ức lịch sử chỉ được tuyền khẩu, tên gọi Tây Nguyên cũng chỉ mới xuất hiện khi có nhà nước và lãnh thổ quốc gia được hình thành. Ngày nay, dù đã hòa nhập với bên ngoài, đời sống của cộng đồng bản xứ nơi đây vẫn còn mạng đậm dấu ấn của quá khứ xa xăm từ thời tổ tiên của họ là các cư dân Nam Á và Nam Đảo. Trong đó, người Nam Á được xem là cư dân đầu tiên nhất đặt chân và sinh sống trên vùng đất cao nguyên này. Ngoài di tích khảo cổ học ra, có nhiều chứng tích liên quan đến từ cổ Môn-Khmer minh chứng điều này, trong đó có từ “Krong” trong tên gọi các địa danh như: Krông Bông, Krông Anna, Krôngnô, v.v. Bài luận này, người viết tìm hiểu về từ nguyên của từ “Krông,” một trong những vốn từ vựng cổ được các cư dân nói ngữ hệ Môn-Khmer sử dụng để chỉ địa danh trên vùng đất Tây Nguyên. Qua việc tìm hiểu này, chúng ta sẽ hiểu hơn về nguồn gốc cũng như một vài nét đặc trưng của cư dân Nam Á trên vùng đất cao nguyên.
Nhóm cư dân bản xứ Tây Nguyên
Theo giáo sư Lương Ninh, ở khu vực Miền Trung của Việt Nam, cả trên cao nguyên và đồng bằng ven biển, đã tồn tại ba nhóm dân cư từ xa xưa. Nhóm đầu tiên là nhóm Nam Á thứ nhất, nhóm thứ hai là nhóm nói ngôn ngữ Nam Đảo (Malayo-Polynésian), và nhóm thứ ba là nhóm Nam Á thứ hai. Hai nhóm Nam Á có tổng số hơn 460.000 người, trong khi nhóm Nam Đảo có khoảng 430.000 người. Dù số lượng gần bằng nhau, nhưng vị trí của từng nhóm rất đáng chú ý. Nhóm Nam Á thứ nhất sinh sống chủ yếu trên lưu vực sông Krông Pô Kô, chảy theo hướng tây từ cao nguyên và đổ vào sông Mê Kông. Nhóm Nam Á thứ hai lại sinh sống chủ yếu trên lưu vực sông Ia Drang, chảy theo hướng đông từ cao nguyên ra biển. Nhóm Nam Đảo nằm ở giữa, kẹp giữa hai nhóm Nam Á, với nhóm thứ ba sinh sống chủ yếu trên lưu vực sông Đồng Nai, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ cao nguyên ra biển.[i]
Từ “Krông” truy về từ nguyên trong ngữ hệ Môn-Khmer
Ngữ hệ Nam Á là ngữ hệ Môn-Khmer gồm thêm các ngôn ngữ Munda ở Đông Bắc Ấn Độ. Nhóm Vietic bao gồm Việt – Mường là một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn-Khmer (hay ngữ hệ Nam Á).
Theo các nhà nghiên cứu từ “Krông” trong tên gọi các địa danh phát xuất từ ngữ âm của người Nam Á, từ nguyên của nó xuất phát từ âm proto Mon-Khmer (Môn-Khmer cổ). “Krông:” |chrŏng|, |ka nɟaŋ|, | kroːŋ|, |kruoŋ|, |krɔaŋ|, v.v, đều có nghĩa là “sông,” “suối,” “lòng sông rộng,” “nước,” “nước lớn” trong tiếng Việt.[ii]
Từ “Krông” trong ngữ chi Banaric và các ngữ chi khác
Banaric là một trong ngữ chi Môn-Khmer, có rất nhiều tộc người trên Tây Nguyên được xếp loại vào ngữ chi này, như: Bahnar, Mạ, Halang, M’Nông, v.v. Mỗi tộc người, phát âm khác nhau: “Krông,” “Krong,” “Kroang,” “Kruông,” “Klong,” “Kanang,” v.v.[iii] Tuy nhiên, chúng đều mang ngữ nghĩa chung là “sông,” “suối,” “dòng sông, dòng suối,” “sông lớn,” “lòng sông, lòng suối,” v.v. Như vậy, “Krông” chỉ về “dòng sông, dòng suối.” Còn những hậu tố kèm theo sau như: Krông Bông, Krông Anna, Krôngnô, v.v, đều là tên gọi, mà các cộng đồng hệ ngữ chi Banaric đặt cho các con sông con suối nơi họ sinh sống. Mỗi tộc người, mỗi phương ngữ, nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tên gọi đó khác nhau.
Không chỉ trong ngữ chi Bahnaric, từ “Krông” mang nghĩa là “sông,” “suối,” các ngữ chi khác thuộc ngữ hệ Môn-Khmer như: Aslian, Katuic, Khasic, Khmeric, Khmuic, Mangic, Monic, Nicobaric, Paluangic, Pearic và Vietic đều có nghĩa là “sông,” hoặc “suối.” Đối với ngữ hệ Nam Đảo (Austronisian), tiếng Jrai có hai từ vàkhác nhau là Ia [iːa] và kroːŋ; tiếng Chăm là |dale| và |krɔːŋ| ; tiếng Aseh là |kruəŋ|. Tất cả đều mang cùng một ý nghĩa như đã trình bày.
Vậy việc tìm hiểu ngôn ngữ và truy về từ nguyên có ý nghĩa gì?
Thứ nhất là biết được nguồn gốc của các cư dân sông trên vùng đất mà chúng ta tiếp cận. Việc xếp loại một tộc người thuộc một nhóm cư dân nguyên thủy nào đó dựa vào rất nhiều yếu tố, qua các kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên nghành khác nhau, như nhân học phân tử, nhân chủng học, văn hóa, gen di tuyền, v.v. Tuy nhiên, vốn từ vựng mà một tộc người nào đó sử dụng trong hiện tại phản ánh rất nhiều đến quá khứ đặc biệt là nguồn gốc của họ. Từ “Krông” chỉ là một trong những từ vựng phổ biến, là tên gọi các địa danh trên Tây Nguyên. Qua việc tìm hiểu từ nguyên của từ này, cùng với các vốn từ mà họ đang sử dụng, kết hợp với nhiều chuyên nghành khảo cứu khác, các nhà chuyên môn xác định nguồn gốc của các cư dân sống trong một khu vực nào đó. Mặt khác, cùng với ý thức tộc người và văn hóa, ngôn ngữ cũng là một trong ba khía cạnh để xác định việc xếp loại tộc người.
Thứ hai là đặc điểm trong lối sống của cư dân này. Như đã trình bày “Krông” có nghĩa là “sông, suối.” Ngày nay chúng ta thấy rằng, các cư dân Nam Á, đều có một đặc điểm chung trong việc định cư liên quan đến mưu sinh: Họ thường tập trung sinh sống các nơi gần con sông, con suối. Lối định cư này phần nào phản ánh quá khứ của cư dân này. Tổ tiên của họ rất quen thuộc với lối canh tắc luân khoảnh mà ngày nay thường gọi là “du canh du cư.” Lối canh tắc trên nương rẫy này rất phổ biến, đàn ông con trai thì chọc lỗ, đàn bà con gái thì tra hạt vào lỗ. Văn minh lúa nước là sự tiếp cận văn hóa Nam Đảo sau này. Đồng thời, họ thường thường lập làng tại các nơi gần các dòng nước. Hai học giả Sidwell và Roger Blench nói đến lý thuyết “Sông Trung Tâm.”[iv] Qua lý thuyết này và thực tế cho thấy, các cư dân nguyên thủy Nam Á đã men theo dòng sông Mê Kông và dịch chuyển để định cư bên cạnh các dòng sông, dòng suối. Đó là lý do mà các nhóm cư ân Nam Á có sự phân bố theo lưu vực các con sông như Giáo sư Lương Ninh đã đề cập trên đây.
Thứ ba là việc tiếp thu ngôn ngữ cũng như văn hóa tộc người và ngôn ngữ hiệu quả hơn. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, nó còn là cửa ngỏ để đi vào văn hóa của tộc người. Các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và xếp loại tộc người vào các nhóm ngữ hệ khác nhau, các nhóm ngữ hệ lại phân thành có các ngữ chi khác nhau. Sự xếp loại này nói đến mối liên hệ trong ngôn ngữ của họ, đặc biệt vốn từ vựng chung mà các tộc người thường dùng thường có chung ngữ nghĩa. “Krông” chỉ là một trong các vốn từ ngữ mang cùng một ngữ nghĩa như đã trình bày. Do đó, khi tiếp thu và hiểu được ngôn ngữ của một tộc người, ta sẽ dễ dàng hơn trong việc học hỏi ngôn ngữ của các cư dân khác có cùng ngữ hệ, ngữ chi. Thật vậy, các tộc người có chung một nguồn gốc, là cư dân Nam Á như đã trình bày, họ sử dụng rất nhiều vốn từ vựng chung. Không chỉ là vốn từ vựng, cách biểu đạt (cấu trúc ngữ pháp) có nét tương đồng nhau. Ví dụ, trong ngữ chi Barnaric: “Tôi đi học,” tiếng Bana: “Inh nam hok”; tiếng Mạ: “Añ lòt bơsrăm”; tiếng M’Nông (R’Lơm): “Añ lờt riam-ră,” v.v.
Thứ ba là sự giao thoa văn hóa của cộng đồng Tây Nguyên. Văn hóa của cộng đồng tộc người trên vùng đất Tây Nguyên có sự giao thoa. Dù là Nam Á hay Nam Đảo, họ sử dụng một vài từ chung để chỉ một thực tại chung nào đó, như “Yang” hay “Yàng” (Thần Linh); “Yoan, Yoăn, Yuồn” (anh em người Việt); “Krong” (sông, suối), v.v. Sự giao thoa này không chỉ dừng lại trong một vài ngôn từ, mà còn trong khía cạnh khác trong văn hóa vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt là niềm tin cổ truyền. Người Nam Đảo như Jrai và Rahde được xem là cư dân di cư sau cùng, nhưng thế giới quan và niềm tin cổ truyền có nhiều nét tương đồng với cư dân Nam Á trước đó. Vũ trụ quan của họ đều có ba tầng: Tầng trời, tầng mặt đất và tầng dưới mặt đất. Họ đều tin nhận rằng, có Đấng sáng tạo và có Thần Linh cai quan vũ trụ này, người Bana có Bok Kơi Dơi, người Jrai có Adơi, người Mạ có Ndu. Tuy nhiên, mỗi tộc người có những nét khác nhau trong cái nhìn về chiều sâu trong vũ trụ quan và niềm tin cổ truyền, do đó quan điểm và việc thực hành nghi lễ sẽ có sự khác nhau. Nhưng điểm chung trong việc cầu Thần tế lễ, ngang qua hình ảnh của cây nêu, ba yếu tố không thể thiếu vẫn là: Thần Linh, tổ tiên và buôn làng. Sự giao thoa này minh chứng rằng, quá khứ họ đã có một sự liên hệ nào đó.
Cuối cùng là sự tương tác của các tộc người trên dòng sông, dòng suối, nơi họ định cư sinh sống. Cũng như các dãy núi, rừng cây nguyên sinh và thứ sinh, nơi có dòng nước chảy qua có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống thường nhật cũng như tâm linh của người Tây Nguyên. “Krông” đối với cư dân bản xứ không chỉ dừng lại là các con sông, con suối bình thường gắn liền với cuộc sống mưu sinh, đó còn là nơi linh thiêng, nơi hiện diện của Thần Linh. Truyện cổ và sử thi của họ nhắc đến rất nhiều về sự linh thiêng của con sông, con suối. Họ tin rằng, dòng sông có Thần Sông hiện diện, mọi người phải tôn trọng, tránh các hành vi phạm đến các vị Thần này. Do đó, họ không giám đốn hạ các loài cây cổ thụ bên cạnh các con sông con suối, việc tiến hành đánh bắt, khai thắc cũng chỉ diễn ra ở những nơi nhất định và đúng mùa. Họ cũng thường thực hiện các nghi lễ tế Thần gần các con sông con suối để tạ ơn Thần Linh và khấn xin cho ý nguyện của họ được Thần Linh chấp nhận. Dòng nước đối với họ mang sức mạnh có khả năng thanh tẩy. Họ thường thực hiện các nghi lễ thanh tẩy liên quan đến luật tục nơi các dòng sông, dòng suối.
Qua việc tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của từ “Krông” trong tên gọi các địa danh trên vùng đất Tây Nguyên, ta tiếp cận được một vài vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa của các cư dân trên vùng cao nguyên này. Từ ngôn ngữ mà họ sử dụng trong hiện tại, có thể phản ánh nhiều thông tin về nguồn gốc cũng như đặc điểm sinh sống của cư dân này trong quá khứ. Đồng thời, nhờ vào sự xếp loại của các nhà chuyên môn liên quan đến ngôn ngữ, ta có thể tiếp cận và hiểu được dễ dàng ngôn ngữ của các tộc người cùng nhóm ngôn ngữ và cùng ngữ chi. Mặt khác, hai cư Nam Á và Nam đảo có sự giao thoa trong văn hóa, Sự giao thoa này là minh chứng cho việc các cộng đồng này có mối liên hệ và ảnh hưởng từ quá khứ chung của họ. Đây dường như là lợi thế không chỉ cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà truyền giáo.
[i] x. Lương Ninh, “Người Nam Á, Nam Đảo và sự hình thành các quốc gia cổ ở Việt Nam,” tạp chí VNH3, TB1,130 (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=9b035667-c288-479d-900c-f391533c2dc8&groupId=13025, truy cập ngày 18-06-2023.
[ii] “River,” Sealang.net, “Mon-Khmer Studies: Dictionary,” (http://sealang.net/monkhmer/dictionary/), truy cập ngày 8-10-2023.
[iii] Ibid.,
[iv] Paul Sidwell và Roger Blench, “The Austroasiatic Urheimat: the Southeastern Riverine Hypothesis,” trong Dynamics of Human Diversity, biên tập bởi N. J. Enfield (Pacific Linguistics, 2011), 317-345; Paul Sidwell, “The Austroasiatic Urheimat: the Southeastern Riverine Hypothesis,” Journal of Language Relationship • Вопросы языкового родства 4 (2010): 117-134.