Tín ngưỡng cổ truyền của Kòn Cau ngang qua hình ảnh cồng chiêng

Nói về tín ngưỡng cổ truyền ngang qua hình ảnh cồng chiêng

Cồng chiêng là một trong biểu tượng của cư dân vùng cao nguyên, bao gồm cả hai nhóm ngữ hệ Nam Á (Môn-Khmer) lẫn Nam Đảo. Đây là một trong ba biểu tượng (cùng với cây nêu và nhà rông), mà khi nhắc đến người nghe sẽ nghĩ ngay đến vùng đất cao nguyên đa sắc tộc. 

Năm 2005, UNESCO đã xác nhận cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể. Ở đây người viết dùng từ “xác nhận” thay vì “công nhận” là bởi lẽ, thiết nghĩ cồng chiêng vốn dĩ đã là di sản văn hóa tinh thần từ ngàn đời của cư dân vùng cao này rồi, UNESCO làm bước thứ hai là xác nhận thôi. 

Việc sử dụng cồng chiêng, chúng ta đôi khi thường chỉ dừng lại trong bối cảnh của một lễ hội. Mà theo một vài nhãn quan, lễ hội là một cách nào đó để một cộng đồng “giải tỏa căng thẳng” trong đời sống, đó là cách nói rất tầm thường. Cồng chiêng Tây Nguyên vượt ra khỏi giá trị nơi trần tục này, nó hướng con người đến trời cao. Bởi vì, “lễ hội” thực chất là nghi thức cầu thần tế lễ – đỉnh cao của đời sống tín ngưỡng – một phần quan trọng, thiết yếu trong đời sống cộng đồng của cư dân cao nguyên. Cồng chiêng của Kòn Cau (Mạ và K’Ho) cũng cho thấy điều đó. 

Tín ngưỡng trong tâm thức Kòn Cau

Tín ngưỡng cổ truyền của cư dân Tây Nguyên nói chung và Kòn Cau nói riêng là đa thần. Điều đó không ai chối cãi đâu. Bởi lẽ, khi cầu thần tế lễ, trong nghi thức cầu thần, cộng đồng thường kêu cầu nhiều vị thần khác nhau. Các vị thần này thường gắn liền với các địa danh, địa điểm như sông ngòi, núi đồi. Tuy nhiên, đó là cảm thức “vạn vật hữu linh” của họ. Bởi vì, cộng đồng không tôn thờ nhiều vị thần như người Hy Lạp đâu. Lễ tế của cộng đồng là chỉ dâng cho một vị thần linh tối cao, duy nhất, bởi vì, chỉ có một Thần Linh của buổi khai thiên lập địa, đã nhào nắn tất cả: 

Ù kơmềt Yàng neh mòn răc, mê hă

Ù kơnăc neh Yàng mòn klàng, mê hă, 

Ù kơnàng Yàng neh mòn bơnus, mê hă, 

Ù bơntus Yàng mòn phăn-jơi, 

Chi che gle nhơ̆t Yàng tơnă, 

Să bồ rào goh bơh mhàm Ndu, 

“Bơh kŭt bơh ku, 

bơh yô, bơh yau, 

Kòn Cau he gĭt

Ndu Yàng kòi mơ phăn kis pwăc să in, gŏ mơ pindờn.”

Nghĩa là:

“Đất mịn màng Thần linh dùng nặn chim chóc, anh ạ, 

đất dón hòn, Thần đã nặn quạ ó, anh ạ, 

đất nền dẻo, Thần đã nặn con người, đó anh,

đất còn lại, Thần nắn vạn vật, 

cây cối tre cỏ, Thần đã vực dậy,

Thân thể rửa đẹp do máu me Thần Ndu, 

Từ thời khai thiên lập địa, 

từ nguyên sơ thuở đầu, 

Kòn Cau đã biết, 

Ndu thần lúa và của ăn cho thân xác, thấy và tin.” 

Những nơi, những vị thần mà cộng đồng kêu cầu chẳng qua là nơi hiện diện của thần linh hoặc đặc tính của thần linh thôi. Ví dụ như, trên núi đồi, có thần rừng, thần cây, mà đối với cộng đồng đó là thực chất là nơi thần hiện diện với dáng vẻ phúc lành, ban lại nhiều phúc lợi. Nơi dòng sông dòng suối, có thần nước, đối với cộng đồng là thần dữ có thể gây hại. Bởi đó, những nơi linh thiêng như vậy, cộng đồng thường thực hiện nghi thức cầu thần tế lễ mang tính đại đồng, cả cộng đồng cùng tham dự, cộng đồng kiêng cữ việc cầu thần tế lễ mang tính chất riêng tư giữa những nơi linh thiêng. Nếu như, có thành viên nào đó thực hiện một cách lén lút mà bị phát hiện thì luật tục sẽ can thiệp: 

“Ring bơnơm tềl hòi Yàng, 

ring rơhàng tềl kơt rơpu, 

ring ju lơkòt tềl sa.”

Nghĩa là: 

“Cùng núi non có dấu vết gọi Thần, 

cùng vượt tược có vết tích gọi trâu, 

cùng nõn chuối có vết tích ăn dùng.”

  Ở một đoạn khác, chúng ta bắt gặp câu: 

“Jòi ja rơnăm, 

jòi đăm tŭh kòi,

jòi bơ nơm hòi Yàng.”

Nghĩa là : 

“Tìm bãi tranh quen thuộc, 

tìm kho lẫm đổ lúa, 

tìm núi non gọi Thần.”

Bởi đó, đối với cộng đồng, đồi núi, rừng cây là nơi thần linh hiện diện, họ gọi đó là Yàng Brê, Yàng Bơnơm. Những tên gọi các vị thần này theo một công thức “Yàng” và địa điểm, nơi chốn. Chứ không phải là Thần linh riêng tư tại đồi núi, rừng cây đó. Họ trông cậy Thần linh đến với họ tại nơi đó: 

“Neh kơnơm Yàng brê pà, 

Neh kơnơm Yàng dà ăi

neh kơnờm măt tơngăi sền.”

Nghĩa là: 

“Đã hy vọng thần rừng ban, 

đã trông cậy thần nước cho, 

đã nhờ cậy mặt trời ngó đến.”

Và khi tế lễ đại đồng như vậy, cộng đồng chỉ dựng lên một cây nêu duy nhất, trên cây nêu đó, có ngôi nhà của một mình vị thần tối cao duy nhất – đồng thời là đấng sáng tạo – có tên gọi là Ndu. Lễ tế được thực hiện, để hiến tế cho vị thần này, chứ không cho các vị thần kia. Phúc lành và sức mạnh đến từ vị thần này, chứ không đến từ các thần khác: 

“Njuh ra-rah, 

ndah rơ-rơng, 

kơnơng ru rung, 

jơng tùng rơhiang.”

Nghĩa là : 

“Tua trên nêu tua tủa, 

cành trên nêu tòng teng, 

cây nêu cao lòa xòa, 

chân thang cả trăm.”

Với nguyên tác “ở đâu có thần linh ở đó không có quỷ thần,” quỷ thần luôn gây đau khổ và tang tóc, còn thần linh thì ở với con người, gìn giữ, bảo vệ, chở che và ban phúc cho họ. Bởi vì con người được thần linh nhào nắn, linh hồn con người cũng từ thần linh mà ra. 

“Deh mơ dùh neh Yàng cih gur, 

Bun mơ kòn neh Yàng kwăt che sŏ.”

Có nghĩa là : 

“Sinh với đẻ Thần – Linh đã vạch màu, 

Thai và con Thần Linh đã kết tóc.”

Ở một đoạn khác có câu:

“Yàng ơn sò, 

Yàng crò soàn.” 

Nghĩa là:

“Thần đặt nhau, 

Thần phú hồn.” 

Cha Jacques Dournes đã viết trong cuốn sách Miền Đất Huyền Ảo lời của các vị cao niên rằng: Các vị thần khác là kết quả sản sinh ra trong tư tưởng của thần Ndu, để thần Ndu sai xuống phục vụ con người. Truyện cổ cũng chứng thực điều này rằng Ndu là Đấng Sáng Tạo – Thần Tối Cao – Một vị Thần vô hình vô chất:

“Kơnờm Ndu lòt pàng, 

kơnờm Yàng lòt còp.”

Nghĩa là :  

“Mong mỏi Ndu đến neh vực, 

mong mỏi Thần linh tới viếng thăm.”

Tuy nhiên, việc thực hành tín ngưỡng giữa các thời và các vùng có sự khác biệt. Cứ liệu nào càng cổ xưa càng có giá trị, bởi lẽ nó nói đến sự gần gũi của truyền thống cổ xưa hơn theo thời gian. Mặt khác, phát xuất “quan niệm vạn vật hữu linh,” tín ngưỡng mang đậm tính đa thần.  

“Trồ mơ tiah Yàng dê crơnggơs,

Kơh bơnơm Yàng dê mòn, 

Kòn bơnus Yàng dê sơklăc.”

Nghĩa là: 

“Trời và đất chính Thần linh sáng tạo, 

đồi và núi chính Thần Linh nắn nặn, 

con người ta chính Thần linh tạo dựng.”

Và mọi sự đã được Thần Linh quan phòng: 

“Poăc tăm brê Yàng pà, 

ka tăm dà Yàng ăi, 

plăi kòi nting Yàng pà rơkum, 

dum plăi ngồm Yàng tơñjrùh, 

Ùr ruh bơnu Yàng tăr nsồm.”

Nghĩa là :

“Thịt trong rừng, Thần Linh ban, 

Cá trong suối, Thần Linh cho, 

Bông gié lúa, Thần Linh kết bụi, 

Trái già chín, Thần Linh cho rụng, 

Gái trai trẻ, Thần Linh trang điểm.” 

Vậy bởi đâu cộng đồng lại thực hành việc cầu thần tế lễ như vậy? 

Điều này phát xuất từ quan niệm vạn vật hữu linh, phát xuất từ linh hồn của con người. Người viết đã có trình bày một bài viết liên quan đến vấn đề này. Bạn đọc có thể tham khảo tại đây! Ở đây xin tóm lại tắt lại một đoạn ngắn có liên quan: Liên quan đến thần linh tạo dựng, con người có xác và có hồn. Linh hồn không thể nắm bắt được và bất tử. Các tạo vật cũng có hồn của chúng. Mà theo triết học có ba cấp bậc: Sinh hồn, giác hồn và linh hồn. Kòn Cau cũng có quan niệm đó. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn!

Nếu như Kòn Cau phát triển chữ viết và hệ thống lại suy tư thì chắc chắn sẽ hình thành nên một nền triết học, có khi là một tôn giáo! Đó là suy nghĩ riêng, mang tính chủ quan của người viết thôi! 

Trở lại với cồng chiêng để nói về tín ngưỡng!

Về nguồn gốc, theo khảo cứu cũng như truyền thống, Kòn Cau không tự đúc chiêng. Cộng đồng ngữ hệ Môn-Khmer nói chung du nhập chiêng từ người Nam Đảo, có khi trao đổi từ Drun (người Lào). Nhưng khi đi vào truyền thống của Kòn Cau, cồng chiêng đi vào khuôn phép của tín ngưỡng khá sâu, thậm chí, chúng là một phần không thể thiếu trong dịp cầu thần tế lễ.

Chiêng sáu và ý nghĩa tâm linh

Theo tinh thần truyền thống xưa kia, cồng chiêng chỉ được dùng trong dịp cầu thần tế lễ và tiếp khách. Trong cầu thần, trọn bộ chiêng sáu được dùng: 

“tur cing àng, hòi Yàng ngăi, 

tur cing đăr klàng, tur cah-jơla, 

tur cing do, kơno hơ drà, 

Gò cing do, kơno hơ klờng, 

cờng cing do, kơno làm tiah, 

dìp ai cing, 

dìu ai cing.”

Nghĩa là: 

“Tấu chiêng buổi sáng, gọi thần ban ngày

tấu chiêng vành ó, thì tấu trễ buổi, 

tấu chiêng này, vang thấu phố chợ, 

gõ chiêng này, vọng tới thị tứ, 

thụi chiêng này, vẳng khắp nơi, 

chiêng đôi thánh thót, 

cặp chiêng mời gọi.”

Cồng chiêng có sáu cái, tượng trưng cho sáu tầng vũ trụ quan và sáu ngày tạo dựng của thần linh và con người sống trong tầng thứ bảy và được tạo dựng trong ngày thứ sáu: 

“Lê-lăm tàng klăm jơngo, 

ơm ndo mƀlŏ lĭk Yàng, 

làng mòn trồ, làng mòn kơnhăi,

lĭk ngăi prău làng mòn cau bàr nă, 

să mơ bồ ăi ù rơnbuh.”

Nghĩa là : 

“Tối tăm nên mù mịt, 

ở nơi đây thình lình xuất hiện Thần Linh, 

để dựng trời, để tạo năm tháng, 

tới ngày thứ sáu tạo thành hai người, 

dùng đất bụi tạo nên con người.”

Bởi đó trong cầu thần tế lễ, trọn bộ sáu chiếc chiêng được dùng. Số sáu muốn nói đến sáu ngày thần linh tạo dựng, sự sống trong sáu tầng vũ trụ quan cùng hòa nhịp trong ngày trọng đại này. Và được Kòn Cau (Con của Người) tấu lên trong tầng thứ bảy. Bởi vì họ là Kòn Poh (Con của Bảy). Như vậy cả chiều kích không gian và thời gian đều hòa chung nhịp điệu. Một ngày trọng đại, đỉnh cao của đời sống tín ngưỡng: 

“Ring tăm kăh tơngăi,

ring tăm kis sơndrài, 

ring tăm kiap kòi, 

ring tăm hòi Yàng”

Đoạn trên muốn nói:

“Đều cùng ý thức thời gian, 

đều cùng sống với kỷ niệm,

đều cùng cài cắm lúa, 

đều cùng kêu gọi Thần.”

Những người con của Bảy cùng hòa nhịp: 

“Poh croh kơrlòng, 

poh thòng kơrlô, 

poh tô dà lềng.”

Nghĩa là: 

“Bày suối rừng sao, 

bảy vực rừng tre, 

bảy nguồn biển cả.”

Khi tiếp khách, họ chỉ dùng chiêng một, đó là sự báo hiệu cho buôn làng biết rằng có khách đang hiện diện giữa buôn làng. Mỗi làng có quyền tự trị riêng, nhưng chung luật tục. Có những điều kiêng kỵ (wer), có khi được áp dụng không chỉ cho cả làng bằng một dấu hiệu nào đó nơi cổng làng. Điều kiêng cử cũng được áp dụng cho từng thành viên trong gia đình, dòng họ, dòng tộc. Tiếng chiêng chào khách như muốn nói: ai được tham dự, ai không nên tham dự được chủ nhà báo hiệu bằng tiếng chiêng. Những người kiêng cử sẽ hiểu rằng họ không được phép đến gặp khách lạ.

Như vậy, tín ngưỡng cổ truyền của cư dân Tây Nguyên, đặc biệt là qua hình ảnh cồng chiêng, mang trong mình giá trị tâm linh sâu sắc và độc đáo. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng văn hóa và tinh thần của các cộng đồng tộc người nơi đây. Việc UNESCO xác nhận cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể năm 2005 chỉ thêm phần khẳng định giá trị vốn có của nó. Những âm thanh vang vọng của cồng chiêng không chỉ để giải trí hay lễ hội mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng, kết nối con người với các vị thần. Đối với người Kòn Cau, cồng chiêng là phương tiện để kêu cầu và giao tiếp với thần linh, phản ánh tín ngưỡng đa thần và “vạn vật hữu linh”. Mỗi dịp cầu thần tế lễ, tiếng cồng chiêng vang lên thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn đối với đấng sáng tạo. Từng chiếc cồng, chiêng trong bộ sáu chiếc đều mang ý nghĩa tượng trưng cho sáu tầng vũ trụ quan, sáu ngày thần linh tạo dựng thế giới. Trong các nghi lễ quan trọng, âm thanh của cồng chiêng giúp cộng đồng hòa nhịp cùng thiên nhiên và vũ trụ, tạo nên một không gian linh thiêng và kỳ diệu. Cồng chiêng không chỉ kết nối con người với thần linh mà còn gắn kết các thành viên trong cộng đồng, tạo nên sự đoàn kết và cảm thông. Những âm thanh này như lời nhắc nhở về nguồn gốc, lịch sử và truyền thống lâu đời của tộc người. Chính qua cồng chiêng, tinh thần tín ngưỡng và văn hóa của cư dân Tây Nguyên được truyền tải một cách sống động và mạnh mẽ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của họ. Nhờ đó, cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tín ngưỡng, đồng thời là biểu tượng cao đẹp của văn hóa Tây Nguyên.

Người con Fyan

Về Biên tập viên

Hãy kiểm tra thêm

Cau RơGơi Pañ SơNa Tam Sre

Tam tŭ ngai, cau gen lòt sùm jòi sềm tơ-gah sre. Khai rơgơi ngăn pañ …

Bàr Nă Oh Mi Lòt Sơn Pàm Lời Geh Ka

  Bàr nă ŏh mi khai lòt sơn pàm tam dà rơbòng sre. Bàr nă …

Người Chrau hay Jro và Churu có phải là một ?

Có lẽ, nhiều người sẽ nhầm lần hai cộng đồng này là một tộc người …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.