Mới nhất

Tầm quan trọng của việc giao hòa trong xã hội cổ truyền của Kòn Cau

Người con Fyan

Việc giao hòa là một phần trong đời sống xã hội cổ truyền của cộng đồng Tây Nguyên. Bởi lẽ họ nhận thức rõ ràng rằng đã là con người (Kòn Cau, bơnuih, bơngai, ană mơnuih, v.v, luôn có hai mối tương quan hàng dọc và hàng ngang. Mối tương quan này là sự nối kết giữa con người với Trời Cao; con người với nhau và con người với tự nhiên. Đó là lý do mà đời sống cộng đồng người bản xứ Tây Nguyên nói chung và Kòn Cau nói riêng có sự gắn kết rất mạnh.

Đối với Kòn Cau, đời sống của họ luôn ưu tiên việc giao hòa và lấy đó làm tâm điểm trong các mối tương quan giữa con người với nhau. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy vấn đề này trong đời sống thường nhật, trong luật tục và các lễ tế.

Sự giao hòa trong đời sống thường ngày. Đã là người, ai cũng mang lấy nợ trong cuộc đời. Nợ ở đây không chỉ là nợ nần vật chất trong cuộc sống, mà đó còn là nợ ân tình với người thân, với gia đình, với buôn làng, với quê hương, với xứ sở. Một người trưởng thành, họ luôn mang tâm thức của một con người mang gánh nợ nần, do đó, họ không được phép ươn lười trong đời sống mà phải luôn dõi theo bậc cha ông để đi vào khuôn phép của truyền thống. Nhưng họ lại sợ nhất việc mắc nợ với người khác, nợ này là sự xúc phạm, là việc làm gây ra tổn thất, xâm hại đến người đồng loại, vân vân. Do đó, một sự việc xảy ra một cách vô tình hay hữu ý họ sẵn sàng đi giao hòa, họ gọi là “tăm dăn să” được hiểu là “cùng nhau xin lỗi.” Tuy theo cấp độ của vụ việc mà họ có cách ứng xử khác nhau, ví dụ như khi vô tình gây ra sự bất hòa lúc say xỉn, cả hai sẽ nghĩ tới việc giao hòa. Người chủ động luôn là người lớn tuổi hơn. Việc giao hòa này rất đơn giản, khi nhận ra lỗi lầm, họ sẽ chủ động đến nhà đối phương một mình hoặc cùng người thân (cha mẹ, anh chị) để tỏ lòng hối hận. Tại đó, họ sẽ giải bày cơ sợ, kẻ nói người nghe và cùng nhau giải hòa bằng lời “xin lỗi nhau,” cùng chung chén rượu với nhau. Kể từ đó, họ lại là anh em bạn hữu của nhau.

Giao hòa trong luật tục. Như chúng ta đã biết, luật tục là trung tâm điều hòa và cân bằng mối tương quan trong cộng đồng. Luật tục được xây dựng trên nền tảng của niềm tin cổ truyền là sự hiện diện của Thần Linh, nói cách khác là Thần Linh ở cùng với con người. Vì vậy, trong các luật tục, họ rất coi trọng việc giao hòa. Chúng ta nhận thấy điều này trước nhất trong luật tục liên quan đến vòng đời: sinh, hôn, tử. Việc giao hòa trong luật tục sinh đẻ. Như đã trình bày, mò boài hay còn gọi là bà đỡ có một vị trí đặc biệt trong xã hội cổ truyền, nhiệm vụ của họ là trợ giúp các thai phụ trong ngày sinh nở. Khi họ đã chu toàn bổn phận, ngày thứ tám, gia đình sẽ tiến hành nghi lễ đặt tên cho đứa trẻ. Bà đỡ được mời tham dự, trước khi đặt tên họ sẽ tiến hành nghi lễ giao hòa được gọi là chrài woàh (tơwài), hàm ý là dọn dẹp, khai khoáng, làm cho quãng đãng. Vì sao vậy? Chúng ta biết rằng, việc sinh nở của phụ nữ là điều tế nhị. Những người hiện diện và giúp đỡ ít nhiều cũng “chạm phải” những điều tối kỵ. Do đó, việc giao hòa là điều ưu tiên nhất. Việc giao hòa tiến hành ra sao, thì được trình bày trong bài viết về nghi thức đặt tên.

Việc giao hòa trong luật tục hôn sự. Nói đến hôn sự của Kòn Cau, chúng ta bắt gặp rất nhiều trang nghi lễ và trong nhiều nghi lễ xuất hiện nhiều nghi thức giao hòa. Việc giao hòa đó không chỉ là phần vụ của đôi tân hôn mà còn là của cả cộng đồng. Phần này, người người viết nhấn mạnh việc giao hòa quan trọng nhất mang tính nối kết lại tương quan của các thành viên trong cộng đồng sau khi có sự đổ vỡ. Trong đời sống thường nhật, có lẽ mỗi chúng ta chỉ biết rằng, hôn nhân là sự tiến tới và muốn nên một giữa đôi bạn trẻ trong tình yêu trong tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và nâng đỡ nhau trong bậc sống vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong bổn phận làm cha mẹ. Trong xã hội truyền thống, hôn nhân cũng được xác lập từ kết ước, trong đó có sự tác động của hai bên gia đình, ý muốn của dòng họ, dòng tộc, muốn tạo mối tương giao với nhau. Tuy nhiên, hôn nhân cũng là một hình thức giao hòa trong cộng đồng thuộc về xã hội truyền thống. Kòn Cau đặc biệt là người Mạ dùng hôn nhân làm phương cách để giao hòa giữa hai bên có sự bất đồng mà quyền bính cộng đồng không thể giải quyết được. Hai bên có sự bất hòa lâu dài và nghiêm trọng, nếu xét đủ điều kiện, hội đồng già làng sẽ ngỏ lời với hai bên đại diện gia đình để tiến tới giao hòa bằng việc thiết lập hôn sự cho con cháu của hai bên. Cuộc hôn sự diễn ra và thành sự đồng nghĩa với việc giao hòa được thiết lập. Đó là giao hòa trong luật tục hôn sự.

Giao hòa trong luật tục tang chế. Nghe đến điều này, chúng ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên và sẽ tò mò mà tìm câu trả lời cho sự thắc mắc “giao hòa trong tang chế là như thế nào?” Đối với Kòn Cau, hôn nhân mang tính thiêng liêng và có sự ràng buộc. Do đó, họ trung tín trong hôn nhân một vợ một chồng. Trong trường hợp hôn nhân đa thê (người có vị thế đặc biệt chỉ được phép lấy thêm người vợ thứ hai, nhưng phải được sự đồng ý cho phép của người vợ đầu tiên), họ cũng đòi buộc phải trung tín và có trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình của họ. Vì vậy mà, việc ly hôn, ly dị không được phép, cho dù một trong hai bên đang trong bất cứ tình trạng nào (kể cả tâm thần). Việc ly hôn, ly dị phải được sự xem xét của cộng đồng. Mặt khác, giá trị thiêng liêng và sự ràng buộc của hôn nhân vẫn luôn tồn tại cho dù một trong hai người đã qua đời. Đó là lý do mà trong luật tục có quy định thời gian để tang và có các điều kiêng cữ kèm theo. Chúng ta đang đi sâu vào luật tục tang chế, vậy đâu là sự giao hòa trong luật tục này? Sự giao hòa trong tang chế được thể hiện rõ nét trong hai điểm sau.

Sau khi người quá cố qua đời, họ sẽ cắt một ít móng tay của người đó, để dành trong ngày thứ bảy sau khi chôn cất, để tiến hành nghi thức giao hòa. Trong nghi thức đó, móng tay được lấy ra và trộn với nước, họ sẽ bôi lên những người tham gia giúp đỡ gia đình tang gia, đồng thời cả những người tham dự. Bởi vì, họ quan niệm rằng, khi còn sống người thân của họ ít nhiều cũng có những lầm lỗi và phạm đến tha nhân trong cộng đồng. Do đó, việc làm của thân nhân trong nghi lễ này như muốn thay mặt người quá cố nói lời xin lỗi với buôn làng. Mặt khác, trong quá trình giúp đỡ tang gia, những người có mặt ít nhiều cũng phạm đến người quá cố. Vì vậy, nghi thức này nói lên sự giao hòa giữa hai bên.

Khía cạnh thứ hai được bộc lộ trong tế lễ ngày mãn tang. Cộng đồng rất coi trọng giá trị thiêng liêng của hôn nhân. Việc giữ mình đến hạn mãn tang rất quan trọng, điều luật ràng buộc này được quy định trong luật tục. Đến ngày mãn tang, vợ (chồng) của người quá cố sẽ tiến hành một nghi thức được gọi là tờs ntìng hay tờs bồc. Nghi thức này có nghĩa là nhắn gửi cho người quá cố, đúng hơn là giao hòa với người quá cố. Tại sao phải giao hòa? Điều đó nói lên ở đó đang có một sự ràng buộc thiêng liêng cần gỡ bỏ. Hơn nữa, niềm tin cổ truyền còn cho thấy, linh hồn người quá cố trở nên tâm linh hơn. Họ có khả năng siêu nhiên và có thể tác động đến thế giới người sống. Do đó nghi lễ giao hòa này rất quan trọng, nó nhấn mạnh đến việc cắt đứt mối tương giao phu thê và giao hòa với nhau. Người còn sống sẽ được tự do tự tại lập gia đình với một người khác khi đã được sự cho phép từ gia đình của người quá cố. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ việc giao hòa trong đời sống và trong luật tục liên quan đến vòng đời của một con người trong truyền thống của Kòn Cau.

Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp việc giao hòa trong các nghi lễ tế Thần. Đôi khi, họ còn có sự giao hòa với tự nhiên. Như chúng ta biết, họ có các điều lệ kiêng cữ (cấm kỵ), có đến ba nhóm điều cấm kỵ. Một khi có sự vi phạm những điều cấm này thì đồng nghĩa với việc phạm phải các quy luật tự nhiên, phạm đến Thần Linh(vô ý), họ có những hình thức giao hòa (tỏ lòng sám hối ăn năn). Ví dụ một vị cao niên vô tình nhìn thấy trẻ nhỏ hoặc thanh niên bắt con tắc kè để làm trò tiêu khiển, cụ sẽ khôn khéo nhắc nhở và lấy tro để rắc khắp nơi, kèm theo lời cầu nguyện, như muốn đại diện để tỏ lòng sám hối, giao hòa với Thần Linh vì sự xúc phạm đó. Đó là một ví dụ hy hữu cho ta thấy tầm quan trọng của sự giao hòa.

Ta cũng có thể thấy các việc làm hay động thái của việc giao hòa trong đời sống lao động. Khi phát nương làm rẫy, vô tình khiến cho các loài động vật phải chết, cha ông chúng ta sẵn sàng bỏ nơi đó, hiến tế giao hòa và đi tìm nơi khác, thỉnh ý Thần Linh để lại bắt đầu công việc của mình. Bên cạnh đó, nương rẫy dù đã canh tác lâu dài, khi có “hiện tượng lạ,” như lông cánh hoặc đuôi con chim trĩ rụng trong khu canh tác đó, họ sẽ hiến tế giao hòa và bỏ nơi đó mà đi tìm nơi khác. Bởi vì nơi đó các loài chim muông tìm đến làm tổ khi đến mùa sinh sản, hiện tượng này như là lời nhắn gửi của Thần Linh cho con người biết ý muốn của Thần Linh. Mặt khác, việc giao hòa với Thần Linh rất quan trọng, chúng ta không chỉ thấy việc giao hòa này diễn ra qua các nghi lễ tế Thần, mà con sau những lần vi phạm luật tục. Chúng ta cũng phải nhìn nhận xã hội truyền thống qua nhiều phương diện, ở đó cha ông với niềm tin tự nhiên (tín ngưỡng) đôi khi có sự sai lầm như Giáo hội Công giáo nhận định. Đồng thời, xã hội nào cũng vậy, là con người không ai tránh khỏi sai lầm, vì chúng ta là tạo vật hèn mọn và yếu đuối. Vì vậy mà trong xã hội cổ truyền, có các lỗi phạm liên quan đến các luật tục. Một khi có lỗi vi phạm này, luật tục dành các khoản ưu tiên để giao hòa và hướng đi tốt nhất luôn là sự cân bằng và tránh đổ vỡ tương quan. Chính vì thế, hội đồng bô lão cũng như hội đồng xét xử, các thành viên đều là những con người am hiểu luật tục và họ rất có nhân bản, đời sống tâm linh rất mạnh. Do đó, sự hồ nghi cần được làm sáng tỏ.

Như vậy, giao hòa là một phần quan trọng trong đời sống xã hội cổ truyền của chúng ta. Cho dù “tôn giáo” của cha ông chúng ta là tôn giáo tự nhiên, nó chỉ được xem là tín ngưỡng, nhưng chúng ta thấy rõ ràng rằng cảm thức về sự hiện diện của Thần Linh rất mạnh trong đời sống của các ngài. Vì thế mà các ngài đã xây dựng được xã hội cổ truyền đậm tính cộng đồng dựa vào hai tương quan chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, việc giao hòa là một phần quan trọng để cân bằng xã hội. Ngày nay, chúng ta cần trân quý các giá trị truyền thống và học hỏi nơi cha ông. Xã hội truyền thống cần được nhìn nhận đa chiều và hòa mình vào đó, xin đừng mang não trạng của hiện tại mà nhìn về quá khứ. Quá khứ cần chúng ta hòa mình và nhìn dưới nhãn quan của nó và trong bối cảnh của nó.

 

 

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Ý nghĩa của núi trong văn hóa và tín ngưỡng: Từ Kinh Thánh, văn hóa Kòn Cau đến các tộc người trên thế giới

Núi, từ lâu, đã vượt ra khỏi ý nghĩa địa lý đơn thuần để trở …

Hiểu về văn hóa cổ truyền như thế nào ?

Văn hóa cổ truyền là biểu hiện sống động của bản sắc con người, được …

Vũ trụ quan và sự sống đời sau

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.