Hành trình đi tìm nguồn cội: nguồn gốc và ý nghĩa danh từ “Kòn Cau”
Có lẽ, xưa nay, ít ai biết được nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi “Kòn Cau” (đọc là “Con Chau”). Đôi khi, có người cảm thấy ngại ngùng khi một ai đó gọi họ là “Kòn Cau.” Nhưng khi biết nguồn gốc và chiều kích ý nghĩa mà từ này truyền tải, mọi người sẽ cảm thấy tự hào và yêu mến cội nguồn của mình hơn. Bài viết này giúp bạn đọc truy tìm nguồn gốc và ý nghĩa mà tên gọi này muốn diễn tả. Và đồng thời, câu trả lời về thắc mắc vì sao cộng đồng bản xứ Nam Tây Nguyên lại tự nhận mình là “Kòn Cau” sẽ được hé mở.
Kòn Cau là một cách goi khác bởi cộng đồng Nam Tây Nguyên, bao gồm các tộc người: Mạ, K’Ho, Stiêng, M’Nông và Jro, tự nhận mình, để phân biệt với các tộc người khác như Kinh, Khmer, Chăm. Đây cũng là tên gọi chung mà cộng đồng này gọi cư dân bản xứ Tây Nguyên.
Theo các nhà nhân chủng học, cộng đồng này là phân hệ đời sau của chủng người Indonésia (một phần của nhánh phương Nam trong đại chủng Melanésian, với đặc điểm nổi bật là sự pha trộn giữa các yếu tố Melanésian và Austronésian, trong đó yếu tố Austronésian chiếm ưu thế hơn),[i] thuộc ngữ hệ Môn-Khmer. Do đó, ngôn ngữ có nhiều từ vựng giống về âm vực lẫn ngữ nghĩa. Đồng thời, phong tục tập quán có nhiều nét tương đồng nhau. Theo các chuyên gia, Kòn Cau là cư dân bản địa của vùng núi cao nguyên, có mặt trước cả thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh.[ii] Cộng đồng Mạ, K’Ho, M’Nông được xem là có chung một nguồn gốc.[iii] Kòn Cau đã từng có một tiểu quốc riêng được gọi là Nggar Mà (tiểu quốc Mạ). Người Jro đã tách ra từ bộ lạc Chau Mạ và đã hình thành tộc danh riêng từ thế kỷ XVII,[iv] do cuộc Nam tiến của người Việt. Bởi vì, vương quốc Champa dần bị thu hẹp lại và tiểu quốc Mạ cũng biến động theo.
Vậy Kòn Cau nghĩa là gì?
Về từ nguyên, “Kòn Cau” đơn thuần là “Con Người” trong tiếng Việt. “Kòn” đồng nghĩa với “Con” và “Cau” là “Người.” Từ “Con Người” trong tiếng Anh là “Human” hoặc “Human being” và thường ám chỉ đến loài người, những sinh vật thuộc hành tinh Trái Đất có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tạo ra văn hóa, xã hội. Trong tiếng Việt, “Con Người” cũng có thể được hiểu là người, là sinh vật có khả năng suy nghĩ, cảm nhận và tạo ra văn hóa, xã hội, là thành viên của loài Homo sapiens. Thánh Kinh cho thấy con người là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên và giống như hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 27). “Kòn Cau” trong ngôn ngữ của cộng đồng cũng mang ý nghĩa tương tự như ý nghĩa được nhắc đến trong Kinh Thánh.
Nguồn gốc tên gọi Kòn Cau
Thật vậy, “Kòn Cau” có nghĩa là “Con của Người” hay “Tộc người.” Người ở đây ám chỉ các vị tổ, là anh hùng khai sáng, thần linh trong huyền thoại. “Kòn Cau” là tên gọi chung, là sự tự khẳng định tư cách người mang chiều kích thiêng liêng. Cũng như trong Thánh Kinh, Adam và Eva của buổi khởi nguyên được Thiên Chúa dựng nên, sống thân tình với Thiên Chúa. Các vị tổ của Kòn Cau cũng vậy. Đây là cảm thức chung của nhân loại. Nhưng mỗi tộc người có các câu truyện kể riêng của họ, xoay quanh vị Thần Linh của họ. Do đó, họ tự khẳng định tư cách người của mình bằng việc nhận mình là “người.” “Kòn Cau” có nghĩa là “Con của Người” hay “Con của các vị tổ- anh hùng khai sáng – thần linh trong huyền thoại.” Việc tự khẳng định tư cách người này là một tục lệ cổ xưa của các bộ tộc trên thế giới nói chung.[v] Tại Việt Nam, các tộc người tộc danh của họ mang tư cách người như: HMông,[vi] người Mường,[vii] người Tày,[viii] v.v.
Đối với cư dân Nam Tây Nguyên, nguồn gốc tên tộc danh của họ đều khởi đi từ sự tự khẳng định tư cách người. Điều này dễ dàng được tìm thấy trong các câu truyện cổ của từng cộng đồng. Người M’Nông có sự tích về H’Nông (“Nông” có nghĩa là quả bầu, H’Nông là đứa con gái trời ban, được sinh ra từ quả bầu).[ix] Người Stiêng, ông tổ của họ tên là Diêng, là con trai của thần trời, có mẹ là con người, nên họ được gọi là Stiêng.[x] Còn người Chrau, tên gọi này có nghĩa tương tự như “cau” (“người”) trong tiếng K’Ho. Anh Điểu Tám, tại ấp Tín Nghĩa, Xuân Thiện, Thống Nhất, Đồng Nai cho biết: Trước đây người Chrau tự gọi mình là “Chrau Jro.” Trong đó, “Chrau” đồng nghĩa với “cau” trong tiếng K’Ho, còn “Jro” là tên tộc danh. Sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam),” các tác giả cho biết: “Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi một giống lúa nếp cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng: n’hpal Chrau Jro.Người Việt gọi giống lúa này là nếp cái (nếp mẹ).”[xi]
Cộng đồng nói tiếng K’Ho: Mạ và K’Ho
Hai cộng đồng này còn gọi tộc người của mình là “Kòn Poh” (Con của Bảy). Tên gọi này liên quan đến vũ trụ quan, nơi Kòn Cau sinh sống là tầng thứ bảy. Số bảy này muốn nói đến sự tròn đầy, viên mãn, trong cả chiều kích không gian lẫn thời gian. Về nội dung câu truyện này, bạn đọc có thể tham khảo tại đây.
Câu truyện này cũng lý giải về nguồn gốc chung của Mạ và K’Ho. Trong truyền thống, “Mạ” có nghĩa là “Dòng dõi chính tông” hay “người con đích thực.” Nhà nghiên cứu Jean Boulbet đã đề cập đến ý nghĩa tên gọi này trong nội dung kịch bản hai bộ phim tài liệu về văn hóa xứ Mạ: “Les Cau Maa‘, ou « Hommes authentiques » dans leur langue.”[xii] Đây được xem là tên gọi đầu tiên nhất của cộng đồng này. Chúng ta sẽ tìm thấy nguồn gốc tên gọi Kòn Cau trong câu truyện cổ về sáng tạo.[xiii] Với tiến trình chung của lịch sử Môn-Khmer, đối với cư dân Nam Tây Nguyên, các chi tộc khác được hình thành và có tên gọi riêng, bao gồm: Cil, Làc, Sre, K’ Dòn, Nộp, Ryông, v.v. Trong số đó, người Sre gần gũi với người Mạ hơn cả về ngôn ngữ. Các cư dân khác, về ngôn ngữ có sự khác biệt nhiều hơn giữa người Mạ và Cil, Làc so vơi sự khác biệt giữa người Mạ và Sre. Điều này, linh mục Đa Minh Nguyễn Huy Trọng cũng đã nhận định tương tự như các nhà chuyên môn, rằng do thời gian tách ra, không gian xa, thổ nhưỡng, môi sinh làm nên sự khác biệt này. [xiv] Các câu truyên cổ về sự hình thành tộc người đều cho thấy rằng, Mạ và K’Ho đều có sự liên đới.
Ví dụ như Yal yau của già làng K’ Tệ Dam Prưng, thầy giáo và là nhà điền dã Ninh Thế Hùng đã viết lại trong cuốn sách Hương Trà Phố Núi cũng cho thấy điều này:[xv]
“Khi ở ven biển đã đông người, vài mùa rẫy lại có nạn dịch xảy ra, rồi người Prum, người Kur đi thuyền đến, chúng bắt người Mạ bán cho người Srài, cuộc sống chẳng bình tên nên Yàng bảo người Mạ phải đi tìm nơi ở mới, ông tổ của người Mạ được Yàng chỉ đường dời buôn, đi dọc theo sông Đạ Đờng, phải bảy đời già làng, người Mạ mới đến được vùng đầu nguồn sông lớn, dưới chân Bơnơm Lang Biang. Trên con đường du cư tìm nơi sinh sống đó, thỉnh thoảng, một vài tộc họ lại tách ra, lập làng ở ven một con suối, con sông nhỏ nào đó.”
Dấu tích của sự dịch chuyển từ miền biển vào đất liền được nhắc đến:
Bơnồ òr nau, Kòn–cau he
Bơh bồt dà lô, bơh tô dà lềng
Bơh kềng lik tơngai, mơ tus ndo(…)
Kơnàp dùl bơrtul
Ndung dùl bŏ
Sŏ njòng dùl bồ.
Nghĩa là:
Xưa xửa xừa xưa, người Thượng(*) chúng mình,
Từ đảo nước xa, từ nguồn biển cả
Từ cạnh mặt trời mọc, mà tới nơi đây (…)
Mối men cùng một ụ
Lươn chạch cùng một xình
Tóc dài cùng một đầu.
Từ xa xưa, hai cộng đồng này vốn là một, sống chung với nhau và cùng chia sẻ đắng cay ngọt bùi:
Kòn Cau hè, bơh nồ òr nau
Sa brê bal dùl lơgar
Căr bal brê dùl bơnoh
Boh băl dà dùl cơnòng
Cik bal lòng dùl nrăng
Pơ̆ băl ƀăng dùl bơkào
Nghĩa là
Người thượng chúng mình, từ xửa xừa xưa
Sử dụng chung đất đai một quê hương
Tết bện chung nơi chốn một xứ sở
Bè đắp chung nước một dòng chảy
Chụm nhóm chung củi một khúc cây
Bẻ lấy măng chung một đột mầm.
Bên cạnh đó nhiều đoạn văn vần truyền khẩu đều cho thấy Mạ và K’Ho có gốc gác chung:
“Jrê Bŭp n’gar Kòn Pàng,
Jrê Bàng n’gar B’Ngơr,
Ndơr ping n’gar B’Tòng.”
Nghĩa là:
Đa Bŭp xứ con Pàng
Đa Bàng xứ B’Ngơr,
Tre nứa xứ B’Tòng.
“Kon Pàng” là tên làng đầu tiên nhất, tên làng này được truyện cổ cho biết là xứ của K’Bìng (nhân vật huyền thoại, vị đã mang mọi sự từ địa ngục lên mặt đất), có cây đa Bŭp. Hai làng còn lại thuộc các xứ khác nhau. “B’Tòng” là tên làng cổ xưa nằm tại xã Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng. Còn “B’Ngơr,” hay còn gọi là B’Nơr[xvi] là tên làng của người Mạ nằm tại Đắk Som, Đắk Glong, Đắk Nông. Ngoài ra, “B’Nơr” (B’Nơr A, B, C) cũng là tên các làng của chi tộc Cil và Lạch thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Hoặc:
“Jrê Bŭp n’gar Kòn Pàng,
Jrê Bàng n’gar Kòn Ŏh,
Jrê Pŏh n’gar Kòn Hền.”
Nghĩa là:
“Đa Bŭp trong xứ con tổ,
Đa Bàng trong xứ con em,
Đa Pŏh trong xứ con út.”
Theo thầy giáo, nhà điền dã Ninh Thế Hùng,[xvii] vùng Kòn Pàng là vùng từ chân ngọn núi Bùm Trao đến sông Đạ Đờn, vùng này có cây đa Bŭp (đọc là Vúp); vùng Kòn Ŏh là vùng từ làng Kòn Ŏh đổ về đến cuối cùng của vòng khuyên sông Đạ Đờn, là vùng nhiều đầm lầy ven sông suối; vùng Kòn Hền, là vùng cư trú của các buôn Kòn Hền, trung tâm Bảo Lộc ngày nay.[xviii] Cây đa có nhiều loại và chúng mọc hầu khắp xứ Mạ, nên truyền thống có nhiều câu truyện cổ liên quan.
Trong cuốn Luật tục người K’Ho Lạch, các tác giả cho biết:
“Tộc người Xrê cũng chính là cư dân gốc Mạ đã từng sinh sống và làm lúa rẫy nhiều thế hệ theo lối du canh du cư, đã tiếp cận được văn minh lúa nước của người Chăm chuyển sang làm lúa nước ở các vùng Njring (huyện Di Linh), Pdrang (huyện Đơn Dương).”[xix]
Còn tên gọi K’Ho được hình thành trong thời Champa, người Chăm đã gọi cộng đồng miền núi (nhóm cư dân Môn-Khmer) là K’Ho, ám chỉ cộng đồng tộc người không cùng văn hóa với họ. Nguồn gốc tộc danh K’Ho được tìm thấy trong truyện cổ miền Jrềng. K’Ho là tên chủ làng đầu tiên của người Sre. Sre là chi tộc gắn liền với ruộng lúa (làm lúa nước), công việc mưu sinh này được xem là sự tiếp nhận từ Nam Đảo, cụ thể là người Chăm.
Cũng trong cuốn Luật tục người K’ Lạch, các tác giả cho biết thêm ý nghĩa của tên gọi này:
“K’Ho” – “từ này có xuất xứ từ ngôn ngữ Nam Đảo (Malayo-Polinésien) do người Chăm xưa gọi những tộc người gốc Tây Nguyên là K’ho (Phung K’ho – có nghĩa là tộc người lạc hậu kém văn minh).”[xx]
Trong các văn khắc trên bia văn cổ Chăm thường nhắc đến nhóm người được gọi là Mlechchhas và Kiaràtas để chỉ những tộc người chưa được Ấn hoá ở vương quốc Champa. Tên gọi này xuất hiện vào sau những năm 1471,[xxi] thời kỳ này lãnh thổ Champa (của người Chăm) đã bị thu hẹp lại do sức ép từ phương Bắc, người Chăm cần đồng minh để chống lại thế lực đó, nên đã thiết lập mối tương giao với các tộc người miền núi, nói cách khác là họ muốn thu phục các tộc người trên cao nguyên thành liên minh chống lại thế lực đó. Xoay quanh tên gọi “K’Ho,” truyện kể của người Sre cho biết “K’Ho” là tên chủ làng đầu tiên của họ,[xxii] bên cạnh đó, “K’Ho” như là tên thông dụng của người Sre.[xxiii] Truyện cổ miền Jrềng có câu truyện về Cơi Kơ Ho. Kơ Ho là một thanh niên người Sre (Jơi Sre – chi tộc Sre), có tư tình với con gái vua chúa Champa, tên là Nai Tơ Lŭi trong thời gian nô dịch. Cả hai người bị mang vào rừng thiêng nước độc để chịu chém đầu. Quân lính thương tình và đã hạ sát hai con chó đi cùng, để lấy máu làm bảo chứng rằng họ đã thi hành án. Sau một thời gian, Kơ Ho trở nên giàu có và có uy thế, trở thành chủ làng. Khi nạn đói ập đến xứ Champa, các vua chúa đã chạy lên miền núi nương nhờ và được Kơ Ho giúp đỡ, kết nối lại mối tương giao.
Thật ra, thời bấy giờ, vua chúa Champa thường kết nối tương giao với các tộc người miền núi liên quan đến chiến sự trong cuộc chiến chống lại Angkor, cuộc Nam tiến của người Việt và cả cuộc nội chiến. Việc gã con cái cho tộc người miền núi là chuyện thường tình.Sự ảnh hưởng của Champa được nhắc rất nhiều trong câu truyện cổ. Trong đó, nô dịch theo định kỳ minh chứng rằng, Champa đã đặt sự ảnh hưởng lên cộng đồng này. Mặt khác, chứng tích đền đài trên cao nguyên Lâm Viên cũng là một minh chứng cụ thể. Về sự chia tách giữa Mạ và K’Ho, văn vần truyền khẩu cũng nói tới:
“Prum tam lơh pìt njo
Lo tăm lơh pìt njền
Sơrđen tăm lơh pìt kwơ bơtau
He Kòn Cau tăm lơh pìt brê brơnoh
Prum Kòn Yoăn pìt boh bơdàng
Yàng tam trồ pìt ding sơnơm.”
Do đó, Mạ và K’Ho thành hai cộng đồng mang tộc danh khác nhau:
Bơnồ òr nau he Jrê Bŭp sơl
Neh pơrlơ̆ he wơl Jrê Bàng
Neh sơrplàng he wơl Jrê Tàp
Kòn me kòn bàp pơrlơ̆ dĭ cau
Nghĩa là:
Xưa xửa xừa xưa, chúng mình cũng là Đại Đa,
Đã lật lộn chúng mình thành Trung Đa,
Đã sõng soài chúng mình thành Tiểu Đa,
Con Mẹ con cha đảo lộn thành tôi tớ người.
Như đã trình bày, các bộ lạc phía Đông xứ Mạ, chịu sự đô hộ của Champa trong hơn 300 năm, người Mạ vì không chịu khuất phục, nhiều làng của họ đã sống tách biệt với bên ngoài[xxiv] và các vị thủ lãnh tìm mọi cách để bảo vệ lãnh thổ của mình. Đó là lý do mà mãi sau này (sau năm 1975), các học giả nước ngoài vẫn chưa thể tiếp cận được một số ngôi làng của người Mạ ở phía Nam. Do đó, có sự phân tách và sau nay Mạ và K’Ho được xếp loại thành tộc danh riêng là bởi nguyên nhân đó. Tộc danh “Mạ” liên quan đến căn tính người khởi đi tên gọi nguyên thủy Kòn Cau, và là tên gọi đầu tiên nhất khi hình thành tộc người, họ tự nhận mình là dòng dõi chính tông của các vị tổ – Anh hùng khai sáng – Thần Linh trong huyền thoại. Đó có lẽ là lý do mà người Mạ được xem là hạt nhân của cộng đồng nói tiếng K’Ho. Qua biến cố lịch sử từ sự chia cắt do tác động của Champa và với tư cách là dòng dõi chính tông, có lẽ từ hai lý do đó mà cho đến nay, người Mạ vẫn không chấp nhận và thừa nhận mình là K’Ho theo cách gọi của người Chăm.
Bởi đó, truyền thống có câu: “Phìng gàr dà, Mà gàr yau” – “Rái cá thì canh giữ nước, người Mạ giữ gìn truyền thống cổ xưa.”
Và các cụ cao niên căn dặn:
“Guh mơ kơh, jàng bờu dà;
Ơm mơ Mà, jàng bờu yău;
Ơm mơ bau, jàng yăl ùr.”
Nghĩa là:
“Khi lên dốc, thì chớ nhắc tới nước nôi;
Khi ở với người Mạ thì chớ khơi ra lệ cổ;
sinh sống với vợ thì chớ kể lễ chuyện về gái.”
“Ơm mơ Mà, jàng bờu yău; – Khi ở với người Mạ thì chớ khơi ra lệ cổ.” Bởi vì, người Mạ là chi tộc nối tiếp truyền thống và gắn liền với những nét tinh hoa từ xa xưa trong cộng.
Luật tục Ñri ñring có câu:
“Bau mơ phìng gàr dà, bau mơ Mà gàr yau, bau mơ cau gàr dồs, dồs ờ tăc năc ờ jơh – kết hôn với rái cá phải giữ nước, kết hôn với người Mà phải giữ những cái cổ, kết hôn với cộng đồng nói tiếng K’Ho phải giữ nợ, nợ không thể trả, khách đếm không xuể.”
Câu này ý muốn nói rằng người Mạ lưu giữ bảo tồn những phong tục tập quán của tổ tiên một cách trân trọng và chính thống trong cộng đồng nói tiếng K’Ho. Khi kết hôn với họ thì phải mang nợ, nợ này không phải chỉ là giá trị thuộc về vật chất mà còn nợ ân tình đối với tổ tiên, quê hương, gia đình, dòng tộc, v.v. Vì họ luôn sống trong sự liên kết với cộng đồng và dòng tộc thể hiện qua nhà dài và các lễ hội.
Lược sử tộc người theo khảo cứu
Các nhà nghiên cứu cho biết rằng Phù Nam là một vương quốc hùng mạnh được thành lập và chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Một vài bộ tộc nguyên thủy trong vương quốc đã tách riêng, do không muốn bị đồng hóa và cộng cư với các cư dân trước đó trên núi cao, bao gồm Mạ, Stiêng, M’Nông, Bahnar, là những cư dân ngữ hệ Môn-Khmer.[xxv] Nam Tây Nguyên đã từng có một tiểu quốc riêng, được gọi là Che Mạ, là liên minh các bộ lạc Mạ, Sre, Cil, Làc, Stiêng, Jro. Tiểu quốc này đã tan rã vào thế kỷ XVII.[xxvi] Sự tan rã này khởi đi từ sự ảnh hưởng của Champa lên cao nguyên trong hơn 300 năm.[xxvii] Trong suốt chiều dài lịch sử, vương quốc Champa đã trải qua những cuộc nội và ngoại chiến với Angkor, Nam tiến, Mông Cổ, v.v. Năm 1853, vua Minh Mạng đã xóa bỏ quyền tự trị riêng của Champa[xxviii] và dần dần kéo theo sự tan rã của tiểu quốc Che Mạ.
Trong thời gian đó, cư dân phía Đông của người Mạ (Bảo Lộc trở xuống) chịu sự ảnh hưởng của Champa, trong đó có bộ lạc Sre. Tên gọi K’Ho phát xuất từ đây. Đầu thế kỷ XX, người Sre (K’Ho) chịu ảnh hưởng của Pháp. Từ năm 1949 tiếng K’Ho được phổ cập, những năm 30 (thế kỷ XX), đạo Công Giáo đã phát triển ngôn ngữ này, người Sre đã hòa nhập tâm lý tộc người và được gọi là người K’Ho.[xxix] Thật ra, đạo Công Giáo không tạo ra ngôn ngữ cho bất kỳ tộc người nào. Các nhà truyền giáo chỉ ký âm, hệ thống hóa bằng kí tự Latin và truyền bá tiếng K’Ho trong cộng đồng.
Cộng đồng Mạ với tâm lý tộc người ổn định, tổ chức xã hội cao và không bị ảnh hưởng của Champa, nên vẫn giữ nguyên tộc danh của mình. Sau này người Pháp đã xếp loại hai tộc danh riêng biệt là Mạ và K’Ho.[xxx] Tuy nhiên, cũng như cộng đồng khác, người Mạ vẫn tự nhận mình là Kòn Cau. Đến nay, Mạ và K’Ho đón nhận nhau và cùng chia sẻ cho nhau kho tàng văn hóa và tinh thần. Cộng đồng Kòn Cau nói chung đều là con người hướng thượng, đó là điều quý giá.
Như vậy, tên tự định danh Kòn Cau của cư dân bản địa Nam Tây cách nào đó khẳng định nguồn gốc chung và mang chiều kích thiêng liêng. Tên tự định danh này không chỉ dừng lại trong cách hiểu từ nguyên, nhưng còn nhấn đến căn tính nguồn cội trong kinh nghiệm chung của nhân loại. Có lẽ từ khởi thủy cộng đồng có chung một nguồn cội, dấu chứng đó được nhận biết qua chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, đồng thời qua tên tự định danh chung. Trải qua thăng trầm của lịch sử, sự phân tách và chịu tác động của môi trường sống, các cộng đồng có những sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ. Lớp bụi thời gian cũng dần xóa mờ đi tên gọi chung và hình thành tên gọi mới. Tuy nhiên họ vẫn tự nhận mình là “Kòn Cau.” Sự phân chia và hình thành các tộc danh khác nhau, dẫn chứng cụ thể như trường hợp của tộc người Mạ và K’Ho. Điều quan trọng hơn cả là nguồn gốc và ý nghĩa của tên tự định danh “Kòn Cau.” Một khi hiểu biết, các thành viên sẽ yêu mến và trân trọng nguồn cội hơn.
SG, 16-03-2024
Người con Fyan
Mục lục tham khảo
[i] x. Cao Thế Trình, Văn hóa truyền thống Cơho-Mạ (Đà Lạt, 1996), 13.
[ii] x. Trần Sỹ Thư, Dân tộc, Dân cư Lâm Đồng (NXB:Thống Kê,1999), 10.
[iii] x. Mạc Đường, Vấn đề Dân tộc ở Lâm Đồng (Sở Văn hóa tỉnh Lâm Đồng, 1983), 32.
[iv] x. Henri Maitre, Rừng Người Thượng, dịch giả Lưu Đình Tuân(NXB. Tri Thức, 2009), 216-220.
[v] x. Tạ Đức, Nguồn gốc Người Việt – Mường (NXB. Tri Thức, 2013), 586.
[vi] x. Mã A Lềng – Tư Ngọc Vu, Tiếp cận văn hóa Hmông (NXB: Văn hóa Dân tộc, 2014), 9.
[vii] x. Hà Đình Thành, Văn hóa dân gian Tày, Nùng ở Việt Nam (Đại Học Quốc gia Hà Nội, 2010), 26.
[viii] x. Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã Lai Dân tộc Việt Nam (Sài Gòn: Bách Bộc), 519.
[ix] Cô giáo H’Plơ, “Một câu chuyện về nguồn gốc dân tộc M’nong,” trong http://c3krongno.daknong.edu.vn/mot-cau-chuyen-ve-nguon-goc-dan-toc-mnong.html, truy cập ngày 26-04-2023.
[x] x. Phan Xuân Viện, Nguyễn Thị Tuyết Sương, và Phạm Anh Văn, Truyện Cổ Xtiêng (NXB: Trẻ, 2017), 41-43.
[xi] Lê Bá Thảo, Hoàng Ma, và Bế Viết Đẳng, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam) (NXB: Khoa học Xã hội, 2014), 205.
[xii] Pierre Le Roux, “Descriptif des films En pays maa: Coutume et techniques traditionnelles du peuple cau maa Vietnam 1963 et Oh Mère Paddy: Culture du riz de montagne et cérémonies religieuses chez les Cau Maa Vietnam 1963,” Academia.edu (2021), trong https://www.academia.edu/45448941/2021_Pierre_Le_Roux_Descriptif_des_films_En_pays_maa_Coutume_et_techniques_traditionnelles_du_peuple_cau_maa_Vietnam_1963_et_Oh_M%C3%A8re_Paddy_Culture_du_riz_de_montagne_et_c%C3%A9r%C3%A9monies_religieuses_chez_les_Cau_Maa_Vietnam_1963_5_p truy cập ngày 29-04-2023.
[xiii] x. Người con Fyan, “Câu truyện cổ: Buổi khởi nguyên – Vũ trụ quan Kòn Cau,” https://koncauhe.net/cau-truyen-co-buoi-khoi-nguyen-vu-tru-quan-kon-cau/, truy cập 16-03-2024.
[xiv] Nguyễn Huy Trọng, trích trong Giáo xứ Dilinh “Ngôn ngữ và Văn hóa Kơ Ho–Kơ Ho’s Language and Culture,” tài liệu (Chưa xuất bản, 2023), 43.
[xv] Thầy Ninh Thế Hùng, quê quán Nga Sơn, Thanh Hóa; sinh ra, học tập và dạy học tại Bảo Lộc, Lâm Đồng; Hội viên hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng (2023), 197 – 208.
[xvi] Ngơr hay Nơr là một từ vựng có sự biến âm tiền tố trong phương ngữ của các chi tộc trong cộng đồng nói tiếng K’Ho: x. Jean Boulbet, Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh (NXB: Đồng Nai, 1999), 27 – 31.
[xvii] Thầy Ninh Thế Hùng, quê quán Nga Sơn, Thanh Hóa; sinh ra, học tập và dạy học tại Bảo Lộc, Lâm Đồng; Hội viên hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng (2023).
[xviii] x. Ninh Thế Hùng, Hương Trà Phố Núi (NXB.Hội Nhà Văn, 2023), 234.
[xix] Krajan Plin, Luật tục người K’Ho Lạch (NXB. Văn Hóa Dân Tộc,2010), 5.
[xx] Krajan Plin, Luật tục người K’Ho Lạch, 7.
[xxi] x. Phan Ngọc Chiến, Người K’Ho ở Lâm Đồng-Nghiên cứu Nhân học về Dân tộc và Văn hoá, 109–110.
[xxii] x. Bùi Minh Đạo, Dân tộc Cơho ở Việt Nam (NXB.Khoa học và Xã hội Hà Nội, 2003), 21. Truyện cổ xứ Dilinh, có câu chuyện về Cơi Kơho.
[xxiii] x. Mạc Đường Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, 28.
[xxiv] x. Jean Boulbet, “Quelques Aspects du coutumier (N’dri) des…,” 11.
[xxv] x. Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã Lai Dân tộc Việt Nam, 774-777.
[xxvi] x. Mạc Đường, Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, 295 ; x. Nguyễn Trắc Dĩ, Đồng bào các sắc tộc-thiểu số Việt Nam, 48; 53.
[xxvii] x. Nguyễn Khắc Sử, Khoa khảo cổ học Tiền sử Tây Nguyên (NXB. Giáo dục, 2008), 11.
[xxviii] x. Po Dharma, Vương Quốc Champa: Lịch sử 33 năm cuối cùng 1802-1835 (San Jose: The Council for the Social-Cultural Development of Champa, International Office of Champa, 2013), 121.
[xxix] x. Mạc Đường, Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng, 296.
[xxx] x. Lê Đình Chi. Người Thượng Miền Nam Việt Nam, 85; x. Mạc Đường, Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng (Sở Văn Hóa Tỉnh Lâm Đồng, 1983), 27–42.
(*) Đây là bản dịch của Cha cố Đaminh Nguyễn Huy Trọng.