Mới nhất

Nghi thức thanh tẩy khi bước vào tiệc cưới

 

Người con Fyan

Khi tìm hiểu về các luật tục của Kòn Cau, chúng ta bắt gặp rất nhiều nghi thức độc đáo mang đậm nét tâm linh. Ở đó, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng được diễn tả. Tất cả những nét độc đáo mà chúng ta bắt gặp trong các trang nghi thức liên quan đến tín ngưỡng của cộng đồng đều hướng ta nhìn nhận một điều hiển nhiên, đó là niềm khát mong của con người nơi trần thế. Đi đến tận cùng, cùng đích của niềm khát mong chính là chân thiện mỹ. Quả vậy, trong các trang nghi lễ, nghi thức liên quan đến hôn nhân, ta bắt gặp một nghi thức rất quan trong đó là sự thanh tẩy.

Trong các tài liệu nghiên cứu, từ khi hôn sự được manh nha, nghĩa là đôi bạn có ý hướng tiến tới hôn nhân qua việc công khai cho hai bên gia đình biết ý muốn của họ, mà chúng ta gọi nôm na là đám hỏi, cho đến việc ra mắt cộng đồng trong một bữa tiệc làng, mà chúng ta gọi là lễ cưới, cộng đồng thiết lập rất nhiều tràng nghi lễ. Nhưng đằng sau những tràng nghi lễ đó, nói đúng hơn là hạt nhân, nền tảng của việc thiết lập nên chúng, có lẽ ít ai biết được. Trong thực tế cũng vậy, chúng ta chỉ biết rằng đó là phong tục tập quán, đó là văn hóa, nhưng vì sao lại có các trang nghi thức, nghi lễ như vậy và chúng có ý nghĩa gì? Chúng ta thật khó để có thể hiểu biết được nếu như không được các vị cao niên diễn giải.

Trở lại với nghi thức thanh tẩy trong luật tục hôn nhân, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều, hầu như trong từng tràng nghi lễ, trong đó có thanh tẩy riêng đôi bạn và có cả thanh tẩy chung cả cộng đồng. Bài viết này, người viết xin giới thiệu một nghi thức cộng đồng trong luật tục hôn nhân. Nghi thức này được diễn ra trong tiệc cưới ra mắt cộng đồng.

Tiệc cưới ra mắt cộng đồng, là cơ hội hai bên gia đình mời người thân, bà con hàng xóm láng giềng xa gần. Có những vị khách mời ở nơi rất xa, trong số đó, có cả những vị khách không cùng tộc người. Trong tiệc cưới đó, họ sẽ kết hợp nhiều tràng nghi thức như tế Thần (trước đây, con trâu là vật hiến tế, nó là sự đóng góp của hai bên gia đình để hiến sinh và chiêu đãi làng trong tiệc cưới ra mắt cộng đồng, chứ con trâu không phải là vật trung gian định mức giá trị con cái theo kiểu hiện tại. Yếu tố luật tục này đang bị hiểu sai và vô tình dẫn đến lối thực hành đi ra khỏi khuôn khổ của luật tục truyền thống được thiết lập trước đây), nghi thức hôn phối, trao sính lễ, v,v. Những gia đình khá giả thường dựng lều rạp và trang trí khuôn viên rất đẹp. Trong lều rạp đó, có hai cái cửa vào và ra. Cửa vào là để chào đón khách và là cánh cửa khách khứa đi vào trong khuôn viên của tiệc cưới. Tùy theo mỗi địa phương, ở đó, có cách ché rượu được bày ra, ít nhất là 12 hũ thành hai hàng. Nơi của đi vào, có một hoặc hai người sẽ đứng ở đó, tay cầm một nhánh cây và một hũ có nước (nước này được pha trộn với nghệ rừng). Phía trước họ bên ngoài cổng, có các cụ cao niên hai bên với chiếc chiêng sáu chờ chực sẵn với các làn điệu để đón chào khách. Khi các vị khác bước vào trong khuôn viên, đi vào cửa, người cầm nhánh cây sẽ rảy nước vào họ kèm theo lời cầu nguyện xin sự thanh tẩy từ Thần Linh. Nghi thức này nói lên sự thanh tẩy, bởi vì tiệc cưới đối với họ không chỉ là nơi gặp gỡ, chia sẻ niềm vui, mà nó còn là một nơi linh thiêng. Bởi vì ở đó, có sự hiện diện của Thần Linh qua hình ảnh của Cây nêu Thần và qua việc hiến tế con trâu. Vì thế mà khi đi vào không gian linh thiêng này, mọi người đều cần được thanh tẩy. Sau khi được thanh tẩy, họ sẽ hưởng nếm rượu ghè được đặt sẵn ở đó trước khi tham dự vào nghi lễ hiến sinh. Còn cửa ra, chúng ta dễ dàng hiểu đó là lối khách trở về khi tan tiệc. Ở đó, họ cũng có các ché rượu được bày sẵn để tiễn khách, và chủ nhà đứng ở cửa để cảm ơn và chào khách. Hình ảnh này chúng ta bắt gặp rất nhiều trong thời kỳ giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Hiện nay, ở các vùng sâu vùng xa, một số địa phương vẫn giữ nét đẹp này trong truyền thống, nhưng không còn cây nêu, không còn nghi lễ hiến tế. Dường như, điều trọng tâm đang bị đánh mất đi rồi.

Chúng ta cũng sẽ bắt gặp sự thanh tẩy này trong nghi thức tang chế. Sau khi tiến hành chôn cất người quá cố, để có thể tham dự bữa tiệc mà gia đình tang gia thiết đãi để tạ ơn (trước đây là một cuộc hiến sinh tạ ơn Thần Linh và cám ơn buôn làng, đồng thời gửi gắm cho người quá cố con trâu để họ dùng trong đời sống ở thế giới bên kia, vì cộng đồng quan niệm có sự sống ở thế giới bên kia và cuộc sống diễn ra như thế giới hiện tại này, nhưng có sự đối lập), họ sẽ mau mắn tìm đến con suối, con sông, hoặc những nơi có dòng nước để tắm rửa. Điều này có nghĩa là họ rủ bỏ mọi nhơ nhớp, những lỗi phạm và mọi sự dính dáng đến cái chết, v,v, trước khi tham dự vào lễ hiến sinh tạ ơn.

Như vậy, chúng ta thấy rằng cộng đồng đã thiết lập trang nghi lễ trong luật tục để hướng đến cái đẹp. Trước khi đi vào và giao thiệp với Thần Linh họ cần được thanh tẩy. Trong nghi thức thanh tẩy này, nước có một vị trí khá quan trọng trong các nghi thức. Cùng với nước và các nghi thức thanh tẩy liên quan, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của chúng khi nhìn qua lăng kính của đức tin dưới ánh sáng của Tin Mừng. Để hiểu sâu, mỗi người không chỉ được mời gọi để khám phá văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng mà còn đào sâu đức tin, để thấy được giá trị mà cộng đồng đã xây dựng. Vì không hiểu rõ đôi khi tôi và bạn cho rằng đó là hủ tục, nhưng thật ra một khi hiểu về nó thì đó lại là cách thức để dẫn chúng ta đón nhận giá trị cao hơn được kiện toàn nhờ Tin Mừng.

 

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Ý nghĩa của núi trong văn hóa và tín ngưỡng: Từ Kinh Thánh, văn hóa Kòn Cau đến các tộc người trên thế giới

Núi, từ lâu, đã vượt ra khỏi ý nghĩa địa lý đơn thuần để trở …

Hiểu về văn hóa cổ truyền như thế nào ?

Văn hóa cổ truyền là biểu hiện sống động của bản sắc con người, được …

Vũ trụ quan và sự sống đời sau

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.