Tác giả: Người con Fyan
Trong sự đa dạng văn hóa nơi vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt ở nơi đầy huyền bí như cao nguyên Lâm Viên, trong cộng đồng Kòn Cau, cách xưng hô “kon plai” là một biểu tượng sống động của sự độc đáo và thiêng liêng. Ngôn ngữ tinh tế này không chỉ là lời gọi tên, mà là cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào thế giới tinh thần của sự kính trọng và thiêng liêng, bước vào thế giới tâm hồn của con người cổ xưa. Nơi mà mối liên kết gia đình, xã hội không chỉ là sự kết nối vật chất mà còn là sợi dây tinh thần làm nên bức tranh tinh tế về vị trí và vai trò của từng thành viên, hướng đến tinh thần cao thượng.
Cũng như trong Việt ngữ, “Kon” tương đương với “Con”, là một danh từ mang hai nghĩa khác nhau (tương đương với animal và child of trong tiếng Anh); “plai” cũng là danh từ, nghĩa là “trái” hoặc “quả.” Trong tiếng Việt, không tìm thấy nghĩa đen về mặt từ ngữ của hai từ này. Do đó, ta chỉ có thể hiểu qua nghĩa bóng. Vì đó là “hoa trái,” phát xuất từ con người. Thật vậy, “Kòn plai,” (người con rễ là prơtâu, con dâu là kòn băn) có nghĩa là “hoa trái được sinh ra” hay “người con nhánh.” Từ này ám chỉ rằng thành viên mới trong gia đình như là “hoa trái” của bậc sinh thành. Thành viên này ám chỉ đến người con rễ (hoặc con dâu) của một gia đình. Họ có một vị trí đặc biệt trong gia đình hiện tại, khi đã nên một với người con ruột của gia đình, họ sẽ lại trở thành bậc sinh thành trong tương lai.
Do đó, trong tương quan với gia đình của vợ (hoặc chồng), việc xưng hô nhắc nhớ vị trí đó của họ. Họ không được phép gọi tên bố mẹ vợ (hoặc chồng) cũng như thế hệ đi trước và bậc anh chị trong gia đình, dòng họ, dòng tộc và ngược lại. Hai bên dùng một từ ngữ khác thay thế, để xưng hô trong giao tiếp, đó là “y” hoặc “đi.” Số nhiều là “bol y” (“bol khi”) hoặc “bol đi.” Từ ngữ này bao hàm chiều kích của sự trân trọng và kính trọng.
Đồng thời, khi đã trở thành cha mẹ, họ được tôn trọng đặc biệt. Cộng đồng không được phép gọi trực tiếp tên của họ mà thay vào đó, họ có một danh xưng khác theo một công thức “bố (hoặc mẹ) kèm theo tên của đứa con đầu lòng (hoặc biệt danh của đứa con đó).” Ví dụ như người con đầu lòng của họ tên là “K’ Tang,” cha mẹ trẻ sẽ được gọi là “mè K’ Tang” (mẹ của K’ Tang) hoặc “bàp K’ Tang” (bố của K’ Tang).
Đó là một nét độc đáo trong văn hóa không chỉ của Kòn cau mà còn một vài thành viên khác của cộng đồng bản xứ Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong Kòn cau, một vài thành viên trong các địa phương không nhất thiết tuân theo quy tắc này. Đó là một sự khác biệt làm nên sự phong phú trong cộng đồng này.
Qua đó chúng ta rút ra được bài học này:
Tôn trọng, biết mình và xưng hô đúng vị trí. Quy tắc xưng hô trong gia đình như gọi “kon plai” hay sử dụng hạn từ “y” hoặc “đi” thể hiện sự nhớ đến vị trí đặc biệt của người con dâu và con rể trong gia đình. Bài học là chúng ta nên tôn trọng và xưng hô đúng vị trí của mỗi người trong xã hội để thể hiện sự kính trọng và trân trọng.
Sự tôn trọng và vị trí của bậc làm cha làm mẹ. Việc gọi cha mẹ bằng danh xưng khác khi trở thành cha mẹ, như “mè K’ Tang” hoặc “bàp K’ Tang,” là một cách thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với vai trò của họ trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Bài học là chúng ta nên tôn trọng vai trò của cha mẹ và công nhận những nỗ lực của họ trong gia đình.
Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng lý giải vì sao các thành viên trong Kòn cau không được phép gọi tên Thần Linh của họ. Bởi vì, tên của Thần Linh là thiêng liêng và cao trọng. Do đó, Thần Linh xứng đáng nhận được sự tôn kính và không được gọi trực tiếp bằng danh xưng.
Như một bài học quý giá từ văn hóa Kòn Cau, cha ông nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tôn trọng, biết mình và xưng hô đúng vị trí. Quy tắc xưng hô như “kon plai” và việc sử dụng từ “y” hoặc “đi” không chỉ là ngôn ngữ, mà là biểu tượng của lòng nhớ đến vị trí đặc biệt của người con dâu và con rể trong gia đình. Tôn trọng vị trí của bậc làm cha làm mẹ được thể hiện qua cách gọi danh xưng đặc biệt, là một cách thể hiện lòng biết ơn và sự trân trọng. Tất cả những điều này là những dấu ấn của sự hiền hòa và thiêng liêng, nhấn mạnh rằng trong tương quan xã hội, việc tôn trọng và xưng hô đúng vị trí là chìa khóa để duy trì mối quan hệ hòa thuận và trường tồn của văn hóa đậm đà của họ.
Ghi chú: Hình ảnh nguồn internet