Mới nhất

Kòn Cau dịch chuyển từ hải đảo hay từ nơi ven biển ?

 

Trong câu tình ca của Kòn Cau, chúng ta bắt gặp đoạn sau: 

Bơnồ òr nau, Kòn–cau he 

Bơh bồt dà lô, bơh tô dà lềng

Bơh kềng lik tơngai, mơ tus ndo(…)

Kơnàp dùl bơrtul 

Ndung dùl bŏ

Sŏ njòng dùl bồ 

Xưa xửa xừa xưa, người Thượng chúng mình,

Từ đảo nước xa, từ nguồn biển cả

Từ cạnh mặt trời mọc, mà tới nơi đây (…)

Mối men cùng một ụ

Lươn chạch cùng một xình

Tóc dài cùng một đầu.

Trong đoạn trên, có câu: “Bơh bồt dà lô, bơh tô dà lềng, bơh kềng lik tơngăi, mơ tus ndo.” Trong bản dịch tiếng Việt trên đây, chúng ta có cảm tưởng rằng, Kòn Cau xuất phát từ một hải đảo nào đó nơi biển cả: “Từ đảo nước xa, từ nguồn biển cả.” Điều này dường như có sự mâu thuẫn với kết quả khảo cứu của hiện tại (2024). Bởi lẽ, nếu xét về đặc tính trong kỹ thuật lao động và phong tục tập quán, lẫn ngôn ngữ, nhóm ngữ hệ Môn-Khmer không phải là cư dân phát xuất từ hải đảo, mà là cư dân phát xuất từ lục địa. Cụ thể, họ dịch chuyển từ thượng lưu sông Mê Kông và vào cao nguyên từ thời tiền sử. Vậy tại sao lại có câu nhận định trên ?

Ngữ nghĩa theo từ điển

“Bồt dà lô, tô dà lềng” được hiểu là “chân trời gốc biển” ; “kềng lik tơngăi” được hiểu là “bên cạnh nơi mặt trời mọc.” 

Câu “Bồt dà lô, tô dà lềng” mang trong mình một hình ảnh hùng vĩ của thiên nhiên, một bức tranh tươi đẹp về vùng đất rộng lớn nơi mà bầu trời giao hòa với biển cả, nơi mà đất liền và biển khơi hòa quyện vào nhau một cách hài hòa. Trong ngữ cảnh của đoạn văn, “chân trời gốc biển” đề cập đến một địa điểm cụ thể, nơi mà bầu trời giao cắt với đường chân trời, thường là phía phía Đông hoặc Tây Đông, nơi mà mặt trời mọc lên hoặc lặn đi.

Câu “kềng lik tơngăi” ám chỉ “bên cạnh nơi mặt trời mọc” là một mô tả tương tự, nhưng tập trung vào vị trí mặt trời mọc lên trên bầu trời. Điều này thường xuyên đề cập đến phía Đông hoặc Đông Bắc, nơi mà mặt trời bắt đầu xuất hiện từ đằng xa, chiếu sáng môi trường xung quanh và đánh thức tỉnh thức của những người sống dậy.

Như vậy, về nguyên nghĩa, câu: “Bơh bồt dà lô, bơh tô dà lềng, bơh kềng lik tơngăi, mơ tus ndo” không mang ý nghĩa là phát xuất từ bất kỳ hải đảo, mà là từ bên cạnh biển khơi, nơi có mặt trời mọc. 

Sự minh chứng trong câu truyện cổ Jồng Jòng

Thời gian gần đây, người viết có cập nhật câu truyện cổ truyện kể về loài nòng nọc. Câu truyện cho biết rằng: Khi Jồng Jòng đến tuổi cặp kè, hai chàng trai đã hỏi cụ của mình là cụ có họ hàng gì không ? Cụ đã trả lời là có và đó Kơ Teh Dăm Thô, sống nơi nguồn biển khơi, mé mặt trời mọc. Và Jồng Jòng đã đến với người cậu của mình để rước con của cậu là hai cô Diồng Diơng. Câu truyện còn cho biết, nơi đó, họ đã phải phát rẫy rừng bảy gò nổng, núi bảy sườn đồi, chỗ bảy làng băng qua. Thê rồi mới lấy Diồng Diơng con gái của người cậu.

Sự minh chứng qua lời kể (yal yau)

Câu chuyện của già làng K’ Tệ Dam Prưng, thầy giáo và là nhà điền dã Ninh Thế Hùng đã viết lại trong cuốn sách Hương Trà Phố Núi (*) cũng cho thấy điều này:

“Khi ở ven biển đã đông người, vài mùa rẫy lại có nạn dịch xảy ra, rồi người Prum, người Kur đi thuyền đến, chúng bắt người Mạ bán cho người Srài, cuộc sống chẳng bình tên nên Yàng bảo người Mạ phải đi tìm nơi ở mới, ông tổ của người Mạ được Yàng chỉ đường dời buôn, đi dọc theo sông Đạ Đờng, phải bảy đời già làng, người Mạ mới đến được vùng đầu nguồn sông lớn, dưới chân Bơnơm Lang Biang. Trên con đường du cư tìm nơi sinh sống đó, thỉnh thoảng, một vài tộc họ lại tách ra, lập làng ở ven một con suối, con sông nhỏ nào đó.”

Cô giáo K’ Uyên miền Ryông Tô cũng cho biết rằng: 

“Các vị cao niên kể lại rằng, có một giai đoạn biển Đông có nơi khô cạn, nên đã di chuyển theo con sông, con suối. Họ đã cố gắng truyền đặt chứng tích này cho con cháu bằng mọi giá.”

Như đã trình bày trước đây, Kòn Cau có sự giao lưu với vương quốc Phù Nam. Đây là một vương quốc hùng mạnh, tuy nhiên đến thế kỷ 7 thì tiêu vong.(**) Nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc trong “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” cho biết dân tộc Việt Nam được hình thành từ hai đợt di cư của người Mã Lai. Người Jrai và người Êđê là cư dân Mã Lai đợt II, còn các nhóm khác là cư dân Mã Lai đợt I. Dựa vào ngôn ngữ th người Chăm là hỗn hợp của hai cuộc di cư này. Khi vào đất liền, Mã Lai đợt II đã đánh đuổi nhóm Mã Lai đợt I và nhóm này (Mã Lai đợt I) đã chạy lên vùng cao để trú ẩn. Tuy nhiên, nhóm Mã Lai đợt I như Mạ, Stiêng, K’Ho là cư dân từ Phù Nam lên sau khi vương quốc này tan rã, trong khi đó, nhóm chạy lên núi trước nhất là Bana và Xơ Đăng. (***)

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vương quốc Phù Nam đã chứng kiến sự biến đổi không ngừng của mực nước biển, qua đó tạo ra những giai đoạn biển thoái và biển lùi đầy ảnh hưởng. Những biến đổi này không chỉ là sự thay đổi về môi trường sống mà còn là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của người dân Phù Nam.

Trong quá trình lịch sử, biển thoái đã xảy ra ở các giai đoạn quan trọng. Thế kỷ 4 – 2 TCN, biển thoái mạnh mẽ khiến mực nước biển hạ thấp đáng kể, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các đồng bằng ven biển – nền tảng cho sự phát triển văn minh của Phù Nam. Còn vào thế kỷ 1 – 4 Sau Công Nguyên, biển thoái tiếp tục diễn ra, đánh dấu sự phát triển rực rỡ của vương quốc này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào biển cũng lui. Thế kỷ 5 – 7 Sau Công Nguyên, biển bắt đầu dâng cao trở lại, khiến nhiều vùng ven biển của Phù Nam bị chìm ngập, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự suy thoái của vương quốc, một phần do ảnh hưởng của biến đổi môi trường.

Từ các gợi ý trên, chúng ta thấy rằng câu ca “Bơh bồt dà lô, bơh tô dà lềng” không chỉ là một mô tả về nguồn gốc của Kòn Cau từ hải đảo, mà còn là một kỷ niệm sâu sắc về vùng ven biển, nơi mặt trời mọc. Trong truyện cổ Jồng Jòng, việc nhân vật chính đến “nguồn biển khơi, mé mặt trời mọc” để rước vợ cũng chứng tỏ sự gắn bó mạnh mẽ với biển cả.

Lời kể về quá trình di cư của người Mạ từ ven biển đến vùng cao nguyên cùng giao lưu với vương quốc Phù Nam cho thấy mối liên hệ sâu sắc của Kòn Cau với biển cả. Những biến đổi mực nước biển trong lịch sử Phù Nam cũng đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của họ, tạo ra những kí ức đẹp và sâu lắng về biển cả.

Vậy, câu ca về biển cả của Kòn Cau không chỉ là kết quả của ngữ nghĩa trong câu ca, minh chứng từ truyện cổ, lời kể của người cao niên và giao lưu với vương quốc Phù Nam, mà còn là dấu vết của mối liên hệ mạnh mẽ với vùng ven biển trong quá khứ, mang lại cho họ những kỷ niệm ý nghĩa về biển cả.

SG, 3-05-2024

Người con Fyan

(*) Thầy Ninh Thế Hùng, quê quán Nga Sơn, Thanh Hóa; sinh ra, học tập và dạy học tại Bảo Lộc, Lâm Đồng; Hội viên hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng (2023), Hương Trà Phố Núi, 197 – 208.  

(**) Tham khảo sách “Sử liệu Phù Nam” tại đường link: https://cvdvn.net/wp-content/uploads/2018/03/su-lieu-phu-nam.pdf

(***) x. Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. 774–777.

 

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Ý nghĩa của núi trong văn hóa và tín ngưỡng: Từ Kinh Thánh, văn hóa Kòn Cau đến các tộc người trên thế giới

Núi, từ lâu, đã vượt ra khỏi ý nghĩa địa lý đơn thuần để trở …

Hiểu về văn hóa cổ truyền như thế nào ?

Văn hóa cổ truyền là biểu hiện sống động của bản sắc con người, được …

Vũ trụ quan và sự sống đời sau

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.