Huyền thoại về nguồn gốc tộc người nơi xứ Mạ

Sưu tầm

Khi đọc các tác phẩm như Miền Đất Huyền Ảo (Jacques Dournes), Rừng Người Thượng (Henri Maitre), hay Xứ Mạ, xứ sở Thần Linh (Jean Boulbet), bạn đọc sẽ gặp gỡ nhiều câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của tộc người tại vùng đất xứ Mạ. Thầy giáo kiêm nhà điền dã Ninh Thế Hùng đã tổng hợp và viết lại những câu chuyện này trong cuốn Hương Trà Phố Núi. Với sự đồng ý của tác giả, bài viết này sẽ tóm lược những câu chuyện được thu thập và câu chuyện được trình bày trong Hương Trà Phố Núi, tập trung vào các huyền thoại về nguồn gốc tộc người nơi xứ Mạ.1

1. Truyện kể của người Mạ Tờm:

Tổ tiên của người mạ sinh ra từ một hang ở núi Đăng Ndrồi cạnh dòng Đạ Đờn, người chui đầu tiên đi về phía thượng nguồn gọi là Mạ Đạ Riông Tô (Mạ vùng đầu nguồn suối Riông), người chui ra thứ hai đi về phía mặt trời mọc thành Mạ Chòp (Mạ vùng đất phiến), người chui ra thứ ba đi về phía mặt trời lặn thành Mạ Krung (Mạ nói tiếng chim), người chui ra cuối cùng là Mạ Tờm (Mạ gốc), được Yàng Đăng Ndrồi cho đến sinh sống ở vùng rừng ven sống mẹ (dà me), nên họ còn có tên là Mạ Đạ Đờng. Vì sinh ra sau cùng, người Mạ Tờm có thời gian tô điểm, chau chuốt nên là người đẹp nhất.

2. Bài ca tăm pơ̆t có đoạn:

Pàng K’Lơm giao hợp với tảng đá lớn

Do ý của Yàng sinh ra K’ Lang

K’ Lang lấy vợ là K’ Lot,

Gốc là con cháu Pàng Mca.”

3. Dam Bo trong Miền Đất Huyền Ảo:

Khởi nguyên, trước tất cả mọi chuyện, có một người đàn ông và có một người đàn bà, sống bên bờ đại dương, dưới chân ngọn núi Kang R’Naê. Đó là Uong Khot, Uong Kho, hai người Kòn Cau đầu tiên, tổ tiên chúng tôi…(nhưng sau một cuộc cãi vã gay gắt với bọ hổ, Uong Khot, Uong Kho buộc phải chạy trốn lũ thú họ mèo này, chúng săn bắt họ)… Họ chạy trốn ra biển. Bọn hổ lần theo mùi mà đuổi bắt họ. Chúng cũng ra đến biển, mà Uong Khot, Uong Kho vượt qua được đến một hòn đảo…. Uong Khot, Uong Kho ở lại trên đảo, họ sinh nhiều con, chúng sống cùng họ… Về sau, những người Tây Nguyên đầu tiên chán sống trên đảo, một mình giữa biển; họ đến sống trên lục địa, ven đại dương.”

4. Bác sĩ hải quân Pháp Paul Néis ghi lại được tại vùng B’Lao (1881):

Ngày xưa, toàn vùng từ tả ngạn sông Đồng Nai và La Ngà tới núi Krontouc đều ngập nước, còn vùng không bị lụt lội là đầm lầy (có tên là biển Lạc), không có người ở, núi non đều hoang vắng. Một hôm, từ phương Nam có con rùa chở một người trên lưng nên bơi chậm chạm đến vùng này. Rùa tìm đến núi Krontouc. Người trên lưng rùa bước xuống và từ đó sinh ra người dân tộc.”

5. Yal yau của già làng K’ Tệ Dam Prưng:

Khi ở ven biển đã đông người, vài mùa rẫy lại có nạn dịch xảy ra, rồi người Prum, người Kur đi thuyền đến, chúng bắt người Mạ bán cho người Srài, cuộc sống chẳng bình tên nên Yàng bảo người Mạ phải đi tìm nơi ở mới, ông tổ của người Mạ được Yàng chỉ đường dời buôn, đi dọc theo sông Đạ Đờng, phải bảy đời già làng, người Mạ mới đến được vùng đầu nguồn sông lớn, dưới chân Bơnơm Lang Biang. Trên con đường du cư tìm nơi sinh sống đó, thỉnh thoảng, một vài tộc họ lại tách ra, lập làng ở ven một con suối, con sông nhỏ nào đó.

6. Truyện kể khác về gốc tích người Mạ:

Ở vùng người Mạ, giữa mùa tuốt lúa, có người con gái đang phơi lúa, chợt trời u ám đổ mưa, cơn mưa trái mùa làm công việc ngưng lại, cô nàng tức giận, ngang ngược tốc vát chống mông lên thách thức với Yàng, nên Yàng phạt cho cả vùng bảy năm hạn hán rồi bảy năm mưa lũ, làm nước dâng lên ngập lụt hết nhà hết buôn. Người Mạ nhờ có con chin ñòng biết nói tiếng người, cho biết trước, nên kéo nhau lên núi cao ở, được chim ñòng chỉ đường đến núi Đăng Ndrồi, rồi dần dần sinh sôi nảy nở thành các buôn dọc theo sông lớn.

7. Yal yau của già làng K’ Piêu:

Khi ven sông đã đông người, một năm có nạn dịch xảy ra, Yàng bảo người Mạ phải chia nhau đi tìm nơi ở mới, ông tổ của Hàng Kar được Yàng chỉ đường dời buôn, đưa con cháu đến vùng đất có bảy con nước hội tụ, có loài cây cho bột ăn thay cơm được, có loài lá con khỉ vẫn ăn. Vùng đất ấy vốn là của loài khỉ, nên khi đến đấy, người Hang Kar phải cà răng cửa, để phân biệt đâu là người, đâu là khỉ.

Có rất nhiều câu chuyện cổ kể về nguồn gốc của loài người, nhưng dường như, màn sương mù của thời gian đang từ từ làm mờ chúng đi. Tuy nhiên, những gì chúng ta có được ngày nay đã rất đáng quý và chúng ta nên biết ơn các tiền bối đã hy sinh để nghiên cứu và ghi lại. Vẫn còn những người đang khao khát tìm hiểu về nguồn gốc của mình mà chưa thể đạt được, các bạn trẻ hãy cùng nhau để thế hệ sau có thể biết đến căn nguyên của mình.

1 x. Ninh Thế Hùng, Hương Trà Phố Núi, 197 – 208.

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Cau RơGơi Pañ SơNa Tam Sre

Tam tŭ ngai, cau gen lòt sùm jòi sềm tơ-gah sre. Khai rơgơi ngăn pañ …

Bàr Nă Oh Mi Lòt Sơn Pàm Lời Geh Ka

  Bàr nă ŏh mi khai lòt sơn pàm tam dà rơbòng sre. Bàr nă …

Người Chrau hay Jro và Churu có phải là một ?

Có lẽ, nhiều người sẽ nhầm lần hai cộng đồng này là một tộc người …