Tiếng K’Ho thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, ngữ chi Bahnaric. Trong địa phận tỉnh Lâm Đồng có ít nhất 12 chi tộc có chung một nguồn gốc nói ngôn ngữ này, tuy nhiên mỗi chi tộc có những sự khác biệt cơ bản trong ngữ âm lẫn từ vựng. Trước thời kỳ Pháp thuộc, cộng đồng nói tiếng K’Ho không phát triển chữ viết, ngôn ngữ chỉ được truyền khẩu. Mọi nội dung thuộc về văn hóa tinh thần như sử thi, truyện cổ, bài tình ca, ca dao, tục ngữ, v.v cũng chỉ truyền khẩu qua nhiều thế hệ.
Do ảnh hưởng của Champa cổ, sự phân tách trong cộng đồng bắt đầu manh nha, cư dân phía Đông xứ Mạ (B’Lao – Bảo Lộc ngày nay) được người Chăm gọi là K’Ho. Các bộ lạc chịu ảnh hưởng bao gồm: Cil, Làc, Sre, Tà Loi, R’Yông, Mà Tô, K’Dòn, Nộp. Tên gọi K’ Ho cũng là tên gọi chủ làng đầu tiên của người Sre. Riêng cư dân Mạ phía Nam, do không bị ảnh hưởng, họ vẫn giữ được tên gọi riêng của mình. Trong thời kỳ Pháp thuộc, việc phân chia và xếp loại tộc danh chính thức được thực hiện. Đến nay, cộng đồng này hình thành nên hai tộc danh riêng là Mạ và K’Ho.
Cũng trong giai đoạn thuộc Pháp, các giáo sĩ Công giáo đã dựa vào khẩu âm và dùng ký tự latin để ký âm hóa chữ viết cho cộng đồng này (K’Ho Sre). Các giáo sĩ đã phát triển và phổ cập chữ viết và lấy tên gọi là K’Ho. Sau nay, nhà nước cũng sử dụng chữ viết này trên các phương tiện truyền thông báo chí. Do đó, tiếng K’Ho đã trở thành tên gọi cho ngôn ngữ chung, cũng như đại diện cho các nhóm chi tộc phía Đông.
Giáo phận Đà Lạt chính thức sử dụng tiếng K’Ho Sre để làm ngôn ngữ hiệp thông trong Giáo phận. Trong phần 1 của bài chia sẻ về tiếng K’Ho, Ban biên tập xin giới thiệu 28 ký tự Latin, trong đó có 21 phụ âm đơn, 8 nguyên âm và 1 bán nguyên và phụ âm.
- 28 ký tự Latin, bao gồm: A, B, Ƀ, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, Ñ, O, Ô, P, S, R, T, U, Ư, W, Y.
- 8 phụ âm, bao gồm: A, E, Ê, O, Ô, Ơ, U, Ư.
- 1 bán nguyên và phụ âm là : I. Đứng vị trí tiền tố nó là phụ âm, hậu tố nó trở thành nguyên âm.
- Các ký tự có âm vực khác tiếng Việt: B, Ƀ, C, D, I, J, Ñ, W, Y.
- B đọc như V trong tiếng Việt.
- Ƀ đọc như B trong tiếng Việt.
- C đọc như Ch trong tiếng Việt
- D đọc như (th) trong Anh ngữ.
- I đọc trung gian giữa H, W, Y trong Anh ngữ khi nó là phụ âm, đọc là I khi nó là nguyên âm.
- J đọc như Dj trong Anh ngữ.
- Ñ đọc như Nh trong tiếng Việt.
- W đọc như W trong Anh ngữ.
- Y đọc như Y trong Anh ngữ.
Như vậy để học tiếng K’Ho cần phải biết Anh ngữ phải không ạ! Đó chỉ là lối nói vui thôi! Về các phát âm các ký tự trên, mời bạn theo dõi clip trên đây.
Trong bài chia sẻ thứ hai, Ban biên tập sẽ giới thiệu Phụ âm đôi và phụ âm ba trong tiếng K’Ho.