Hành trình đi tìm nguồn cội: Gạo dắt lưng đi đường
Khi nói đến việc “túi gạo dắt lưng đi đường”, có thể bạn sẽ cảm thấy bất ngờ vì không biết cách nào để hình dung điều này. Trong một thế giới hiện đại, chúng ta thường chỉ nghe về việc “tiền dắt lưng đi đường.” Điều này có thể khó hiểu, vì không có ai giải thích cho chúng ta và nó trở thành một thói quen không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, thói quen này lại có nguồn gốc và trở thành một phần của văn hóa vùng cao nguyên, thể hiện lòng nhân ái của người dân địa phương.
Lúa gạo và truyền thống
Khi đặt chân đến cao nguyên, dù ở bất cứ nơi đâu, tộc người nào, ngoài việc thân tình đón tiếp trong sự thân thương, đơn sơ, chất phác của người bản xứ nơi đây, khi cất bước ra đi, bạn sẽ được những “bao gạo” để đi đường. Điều đó như muốn nói rằng rằng bạn là khách quý, là người thân thương của họ. Họ trao cho bạn một thứ quý giá nhất – thứ lương thực nuôi sống thể xác con người – vật phẩm mang tính thiêng liêng gắn liền với truyền thống vùng cao nguyên.
Thật vậy, dù là cư dân Nam Á hay Nam Đảo, gạo là thứ lương thực gắn liền với truyền thống của người cao nguyên. Họ là những cư dân bán khai “ăn rừng,” gắn liền với tự nhiên, dựa vào tự nhiên mà sống. Xã hội cổ truyền với lối định cư chuyển dịch theo chu kỳ trong tầm bán kính nhất định của buôn làng, họ canh tác tại khu rừng của mình với lối luân khoảnh, với những cây trồng ngắn hạn. Trong đó, cây lúa được trồng trên nương rẫy là cây lương thực chủ yếu nuôi sống họ. Nguồn gốc của cây trồng này, chúng ta sẽ tìm thấy trong các câu truyện cổ của mỗi cộng đồng. Ở đó, yếu tố tâm linh không thể thiếu, rằng: yàng (thần linh) của họ đã ban. Ví dụ như câu truyện cổ người Mạ và Sre vùng Nam Tây Nguyên cho biết: Bảy hạt lúa đã được Ndu ban cho Kòn Cau sau trận đại hồng thủy để họ trồng trên nương rẫy; đàn chim ri đã dẫn đưa tổ tiên Kòn Cau đến cánh đồng lúa; Lúa thóc là vật phẩm yàng đã ban cho Kòn Cau, v.v. Đối với người Jrai, họ quan niệm rằng, bất cứ những gì họ sở đắc được, trong đó có lúa gạo đều là do trời ban.
Chính vì vậy, việc cầu thần tế lễ của cộng đồng liên quan đến mùa màng (mà ngày nay người ta chỉ dừng lại và hiểu trong mức độ của một lễ hội) đều xoay việc tạ ơn và xin ơn thần linh. Và khi nhìn vào các con vật mà một gia đình nào đó hiến tế cho yàng sau một mùa thu hoạch là biết được sản lượng họ thu về, cao nhất bao giờ cũng là con trâu. Ngoài các gia tài khác như chiêng, ché, vải, lụa, v.v lúa thóc là một trong các vật phẩm định mức giàu nghèo. Kho càng lớn sau mỗi mùa thu hoạch chứng tỏ rằng lúa gạo có nhiều, đời sống vì thế cũng sung túc hơn.
Lúa gạo và đời sống cộng đồng
Bởi vì lúa gạo luôn gắn liền với truyền thống, là của ban bởi trời, do đó, mọi người cần san sẻ cho nhau. Họ san sẻ khi nào vậy ? Đường nhiên là những lúc người khác cần đến!
Trước hết, chúng ta phải kể đến khi đi thăm viếng một ai đó ốm đau nặng. Khi nghe một ai đó trong làng hoặc người thân ở một nơi xa ốm đau, người thân của họ sẽ đến viếng thăm. Họ mang những thứ cần thiết, dĩ nhiên sẽ không phải là tiền bạc như thời nay đâu. Xã hội cổ truyền làm gì biết đến chuyện tiền nong! Họ sẽ mang theo lúa gạo, hoặc những gì vừa mới thu hoạch từ trên nương rẫy. Bởi vì họ quan niệm rằng, người ốm đau thì làm sao có thể có sức lực làm việc để kiếm của ăn, nên họ phải chia sẻ để có của ăn trong khi ốm đau bệnh tật. Tiếp đến, lúa gạo được san sẻ cho gia đình tang gia. Đời sống ngày xưa luôn luôn gắn liền với tự nhiên và gắn bó với nhau. Một gia đình tang chay, cả buôn làng sẽ dừng mọi hoạt đồng, vì đó là lúc kiêng cử mọi hoạt động riêng để viếng thăm chia buồn, tiễn đưa người quá cố. Trong thời gian tang chay, từng gia đình trong buôn làng sẽ chia sẻ những gì họ có, trong đó có lúa gạo. Vật phẩm đó sẽ phục vụ cho những ngày tang chay. Đồng thời, họ cũng chia sẻ với nhau những công việc liên quan. Đời sống cộng đồng là như vậy đó. Ngoài ra, chúng ta sẽ bắt gặp sự chia sẻ trong ngày đôi bạn trẻ ra mắt cộng đồng mà chúng ta gọi là lễ cưới. Cũng như tang chay thôi, lễ cưới ngày xưa thường kéo dài trong nhiều ngày, họ cần có của để có thể duy trì cuộc vui. Do đó, lúa gạo là thứ họ cần. Ở mức độ khác, chúng ta sẽ bắt gặp có những lễ tế phục vụ cộng đồng. Đó là khi một gia đình, hay một dòng họ, dòng tộc nào đó rơi vào bế tắc, ốm đau bệnh tật hoặc chết chóc. Chủ làng và các vì bô lão sẽ hợp nhau để kêu gọi các thành viên khác giúp đỡ. Họ sẽ thực hiện lễ tế và chia sẻ những gì họ có, trong đó không thiếu lương thực đâu!
Nhưng có những lúc khác, lúa gạo trở thành của dắt lưng!
“Gạo dắt lưng”
Có bao giờ bạn được nghe nói đến hai từ “lòt pơl” chưa ? Có lẽ bạn đã từng nghe và có khi một vài lần trong đời, bạn đã từng trải qua nó! Về nguyên nghĩa, hai từ này có nghĩa là “đi đổi” hoặc “đi mượn.” “lòt” là “đi,” “pơl” là “mượn, đổi, vay, mua, đánh, đổi, đánh đòn, đắp đổi, đổi thay, đổi mới.” Nhưng thực tế, nghĩa của hai từ này khác xa với những gì chúng ta hiểu trên mặt chữ. Bởi lẽ, khi nói đến “lòt pơl” là nói đến một nét văn hóa chứa đựng đầy bác ái của Kòn Cau.
Trong xã hội cổ truyền của ngày xưa, đôi khi ngày nay cũng còn đâu đó, nhiều lúc, cả làng rơi vào tình trạng đói kém. Người ta không thể giúp đỡ nhau được nữa. Họ sẽ đi nương nhờ những người thân, người quen biết ở các làng khác. Đó có thể là họ hàng, thông gia, hoặc các gia đình kết nghĩa tương giao. Người ta đến đó, họ sẽ trình bày lý do, và sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc gia chủ trong một thời gian nhất định. Đến hạn trở về, gia chủ sẽ trả công bằng hoa màu tương xứng với thời gian họ đã làm. Tuy nhiên, người ta thường không chi li như vậy, gia chủ sẽ trả phần nhiều hơn, nếu có thể. Đồng thời, họ sẽ cho thêm một ít của ăn dành cho việc đi đường.
Chúng ta biết được rằng, trong xã hội ngày xưa, cuộc hành trình “lòt pơl” rất xa. Người ta chủ yếu là đi bộ, họ phải nghỉ ngơi trên chặng đường, có khi qua đêm. Bởi đó, gạo của ăn đàng là thứ rất cần cho họ, để đi hết chặng đường dài đó.
Không chỉ là khi “lòt pơl” bạn mới được “dắt lưng” đâu. Những cuộc thăm viếng người thân, bạn bè, hay “đêm tối tắt đèn,” bạn cũng sẽ được dắt lưng. Miễn sao bạn thật lòng trình bày hoàn cảnh của mình. Người ta cũng sẽ giúp bạn. Bởi vì tập tục, khách lạ đến thăm và lòng hiếu khách bắt nguồn từ truyền thống không để cho họ yên trí. Bạn sẽ có “gạo để dắt lưng.” Đó là những lý do mà khi bạn đến vùng cao, người ta sẽ cho bạn túi gạo để bạn mang về. Túi gạo đó là tâm tình, là sự biểu đạt tình thương và là việc thông truyền tình bằng hữu của người vùng cao. Hôm nay, họ cho bạn, ngày mai, bạn sẽ cho người khác, và đến lượt họ, bạn cũng sẽ cho họ như vậy!
Như vậy, “gạo dắt lưng đi đường” không chỉ là một món quà vật chất, mà còn là biểu tượng của lòng bác ái sâu sắc trong truyền thống văn hóa vùng cao nguyên. Giống như Hạt giống Tin Mừng về bác ái yêu thương của Kitô giáo, “gạo dắt lưng đi đường” là biểu hiện của sự chia sẻ và lòng nhân ái, nơi mỗi viên gạo mang theo một tấm lòng ấm áp và quan tâm đến người khác. Trong xã hội cổ truyền, việc chia sẻ gạo không chỉ là hành động tình thần mà còn là một phần không thể thiếu của cuộc sống cộng đồng, nơi mà mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau trong những thời khó khăn. “Gạo dắt lưng đi đường” không chỉ là lời nói, mà còn là hành động thể hiện tình người, là sự kết nối và gắn bó giữa mọi thành viên trong cộng đồng, là biểu tượng của sự đoàn kết và sự hỗ trợ tương thân tương ái.
Hồi tưởng, tâm tình của người đến và ra đi!
Trong lòng vùng Tây Nguyên, nơi mà những dãy núi cheo leo ôm trọn những cánh rừng mênh mông, có một truyền thống mà từ thuở xa xưa đã được người dân vùng cao nguyên gìn giữ và truyền dậy – đó là tinh thần hiếu khách.
Tôi vẫn nhớ rõ ngày hè oi bức, khi tôi bước vào ngôi nhà nhỏ nằm dưới bóng cây to lớn, bên cạnh những cánh rừng ngút ngàn. Đó là ngôi nhà của một gia đình người Tây Nguyên, nơi tôi được tiếp đón với sự ấm áp và mến khách không thể lẫn vào đâu được.
Trong khi tôi ngồi quây quần bên bếp lửa, gia chủ đã mang đến cho tôi một phần của thứ quý giá nhất mà họ có – gạo. Không chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần, gạo đối với họ là biểu tượng của sự sống và sự giàu có. Mỗi hạt gạo mang trong nó hơi thở của đất đai mẹ hiền, là sự kết tinh của mồ hôi và công sức của người nông dân.
Khi tôi nhận được phần gạo ấy, lòng tôi không chỉ cảm thấy lòng biết ơn sâu sắc về sự hiếu khách của họ mà còn trào dâng lên một cảm xúc trân trọng và thiêng liêng. Trong mỗi hạt gạo ấy, tôi nhìn thấy sự quan tâm và tình cảm mà gia chủ dành cho tôi, một người bạn mới, một du khách xa lạ.
Vào buổi tối, khi tôi ngồi quây quần bên gia đình ấy, hương vị của bữa cơm mang trong nó hơi thở của đất đai, hơi ấm của tình thân và sự kính trọng với truyền thống. Mỗi hạt gạo trở thành một liên kết gắn kết chúng tôi với nhau, khiến cho khoảnh khắc ấy trở nên thiêng liêng và đáng nhớ.
Khi tôi rời khỏi ngôi nhà ấy, tôi không chỉ mang theo những kỷ niệm đẹp về vùng cao nguyên và những người hiếu khách mà còn mang trong lòng một tấm lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng với những giá trị văn hóa truyền thống. Gạo – một thứ quý giá không chỉ nuôi sống thể xác con người mà còn nuôi dưỡng tinh thần và kết nối những trái tim với nhau.