Mới nhất

“Đâm trâu” hay “cầu thần tế lễ” ?

Khi nhắc đến một lễ hội lớn mang tính đại đồng của cộng đồng Tây Nguyên, nhiều tài liệu nghiên cứu thường gọi tên là “lễ hội đâm trâu.” Nhưng tên gọi này không diễn tả được ý nghĩ phổ quát của nghi lễ hiến tế. Tên gọi này đến từ nhãn quan của những người ngoài cuộc nhìn vào một nghi lễ và lấy việc đâm trâu làm trọng tâm. Mặc nhiên, cứ như một xu hướng chung, cách gọi như vậy dường như trở thành định danh phổ quát. Tuy nhiên, khi đi sâu vào truyền thống của tộc người, tên gọi đó chỉ diễn tả một nghi thức trong một tràng nghi lễ.

Thật vậy, “đâm trâu” chỉ là một hành vi nhỏ, là sự sát tế, là nghi thức hiến sinh trong một nghi lễ lớn có tên gọi phổ quát là “cầu Thần tế lễ” hay “cầu Thần hiến sinh,” có khi là “tế lễ ăn trâu.”

Vì sao người ta lại hiến tế con trâu ? Tùy mỗi truyền thống của tộc người quan niệm về hình ảnh con trâu khác nhau. Nhưng điểm chung của lễ này là của lễ quý giá và cao trọng nhất được dành riêng trong dịp lễ tế lớn và mang tính đại đồng (tức tinh thần cộng đồng).

Người ta thường dựng lên cây nêu trong mỗi dịp cầu Thần tế lễ này. Thường thường, dịp này rơi vào dịp mừng lúa mới, nghĩa là trong thời kỳ lúa sắp trỗ đòng cho đến khi lúa chín. Thời gian đó, thường rơi vào mùa mưa và là thời gian nhàn rỗi. Ngoài con trâu để hiến sinh ra, người ta còn có các vật phẩm khác từ hoa màu ruộng đất, cho đến các loài vật từ tự nhiên mà họ săn bắt được, và cả cá từ việc đánh bắt.

Cây nêu trong lễ hội là biểu tượng của cây sự sống. Cây Thần nối kết con người với đất, với trời; con người với tạo vật. Đó cũng là hình ảnh biểu tượng cho sự hiện diện của Thần Linh, cho sức mạnh xua đuổi ma quỷ, cho sự gọi mời tham sự cuộc hiến sinh. Cây nêu đã có lịch sử lâu đời rồi, và là tài nguyên chung của cư dân Đông Nam Á. 

Để biết thêm về cây nêu, bạn đọc tham khảo trang này: Cây sự sống

Xung quanh cây nêu sẽ diễn ra nghi lễ, phần đầu tiên là cầu Thần. Người ta sẽ cầu (gọi mời) Thần linh đến, ngự trên cây nêu. Họ sẽ trình bày với Thần Linh của mình lý do của cuộc hiến tế, kèm theo ước mong của cộng đồng. Ở đó, có diễn ra cuộc hòa giải cộng đồng, người ta sẽ cùng xin lỗi nhau và nói lên sự tha thứ cho nhau vì những xúc phạm trong cuộc sống trước sự hiện diện của Thần Linh. Đồng thời, các vị cao niên, tiền bối sẽ răn dạy con cháu và giáo huấn cộng đồng, truyền đạt lịch sử, truyền thống. Họ cũng sẽ nhắc nhớ nhau về các điều cấm kỵ (xem như là điều luật).

Tiếp đến là cuộc hiến tế. Người ta sẽ sát tế con trâu để hiến dâng cho Thần Linh và các linh hồn nơi địa ngục, Như là một cuộc trao đổi, máu của con vật là trung tâm của buổi lễ. Người ta sẽ lấy máu của con vật hòa với rượu cần và bôi lên cây nêu, không gian xung quang và những người tham dự. Hành vi này diễn tả sự nối kết, sự thuộc về và sự tha thứ. Sau đó, thịt con vật được dâng lên cho Thần Linh như của ăn thiêng, để Thần Linh chúc phú. Người ta sẽ phân chia cho nhau và thịt con vật trở thành của ăn thiêng liêng cho mọi người. Người ta sẽ ca hát với nhau, chia sẽ cho nhau vui buồn của cuộc sống. Tiếng cồng chiêng và các nhạc cụ khác cũng là để hòa vào các cuộc hiến tế, làm cho lễ tế sinh động hơn, nối kết con người với Thần Linh, với linh hồn và vớic các tạo vật. Bao trùm là niềm tin vào sự quan phòng của Thần Linh.

Lễ hội diễn ra trong nhiều ngày, có thể lên đến một tuần, tùy vào mức độ. Sau cuộc hiến tế chính, lễ tế nhỏ diễn ra liên tục cho đến khi mọi nguời mệt mỏi, hết rượu cần, hết đồ ăn thì mới thôi. Sau đó, ai trở về nhà nấy trong sự nhớ nhung, mong đợi lễ tế lại đến.  

Qua đó nghi lễ “Cầu Thần Tế lễ” của người Tây Nguyên, chúng ta nhận thấy rõ chiều kích hữu thể có tôn giáo sâu sắc trong từng nghi thức. Người Công giáo dễ dàng nhận ra hình bóng của một “thánh lễ” và các nghi lễ mang “tính bí tích” trong cuộc hiến tế này. Bởi vì, cầu thần tế lễ hội tụ đủ yếu tố “thực tại” và “dấu chỉ.” Nếu ai được sống trong bầu khi thiêng liêng này và hiểu về các lễ tế của cộng đồng, người ta sẽ hiểu giá trị và ý nghĩa của các bí tích công giáo. Đồng thời, các bí tích như là sự kiện toàn các nghi lễ.

Như vậy, lễ hiến tế không chỉ là việc đâm trâu mà là một nghi lễ linh thiêng, biểu hiện lòng thành kính đối với Thần Linh. Hình ảnh cây nêu trong lễ hội là biểu tượng của sự kết nối giữa con người và thế giới thần linh, mang theo thông điệp về sự hòa giải, đoàn kết và hy vọng vào mùa màng bội thu. Máu và thịt con trâu, thông qua các nghi thức thiêng liêng, trở thành của lễ dâng lên Thần Linh, biểu tượng cho sự hy sinh và lòng biết ơn. Đây là dịp để cộng đồng sum họp, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và củng cố tinh thần đoàn kết. Đồng thời, những bài học về truyền thống, lịch sử và các điều cấm kỵ được truyền dạy qua các thế hệ. Sự tham gia của cả cộng đồng trong lễ hội còn thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào sự che chở và phú quý từ Thần Linh. Cuối cùng, khi lễ hội kết thúc, lòng người vẫn còn vương vấn, chờ đợi ngày lễ tiếp theo để một lần nữa được hòa mình vào không gian linh thiêng và tràn đầy ý nghĩa này. Sự tồn tại và phát triển của lễ hội “cầu Thần hiến sinh” là minh chứng cho sự gắn bó sâu sắc của người Tây Nguyên với các giá trị tinh thần và là sự hội tụ ý nghĩa niềm tin.

Người con Fyan.

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Ý nghĩa của núi trong văn hóa và tín ngưỡng: Từ Kinh Thánh, văn hóa Kòn Cau đến các tộc người trên thế giới

Núi, từ lâu, đã vượt ra khỏi ý nghĩa địa lý đơn thuần để trở …

Hiểu về văn hóa cổ truyền như thế nào ?

Văn hóa cổ truyền là biểu hiện sống động của bản sắc con người, được …

Vũ trụ quan và sự sống đời sau

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.