Tin mừng: Ga 21,20-25
Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy ?”
Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.”
Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ?”
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm.
Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
Suy niệm: Bàp Vincente K’ Brèp
CHUYÊN TÂM LÀM CHỨNG
Sau khi Chúa trao nhiệm vụ coi sóc đoàn chiên và cho biết ông sẽ phải chết cách nào để làm sáng danh Chúa, Phêrô cũng muốn biết vận mạng của Gioan. Chúa Giêsu tỏ lộ, Chúa yêu mỗi người mỗi khác và số mạng của mỗi người do Chúa làm chủ.
Trước câu hỏi của Phêrô: Còn người này thì sao? Chúa Giêsu đã khéo léo trả lời một phần nói tới vận mạng mỗi người do Chúa làm chủ chứ Chúa không trao quyền đó cho Phêrô. Phần khác, Chúa Giêsu hé lộ cách thức làm sáng danh Chúa của Gioan khác với Phêrô. Chúa Giêsu đáp: Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy. Trong đời, chúng ta cũng dễ so sánh và tìm cách xen vào cuộc đời và cách thức mà người khác làm chứng về Chúa. Chính sự quan tâm quá mức đến vận mạng của người khác đôi khi khiến chúng ta khó làm chứng cho Chúa. Chúa có kế hoạch riêng cho mỗi người, như Phêrô Chúa trao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên và chịu tử đạo để làm sáng danh Chúa, còn Gioan, Chúa trao cho ông làm chứng bằng cách sống lời Chúa dạy và viết lại những lời quý báu ấy. Bởi đó, chúng ta đừng bắt người khác sống cuộc đời của chúng ta, thay vào đó chúng ta hãy tự đảm nhận lấy cuộc sống của mình. Điều Chúa muốn nơi chúng ta là Phần con, cứ theo Thầy.
Nếu như Phêrô làm sáng danh Chúa qua chăn dắt đoàn chiên và tử đạo, thì Gioan viết Tin Mừng để làm sáng danh Chúa. Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, không những viết ra, Gioan còn dùng cả cuộc đời gắn bó với sứ mệnh Tông Đồ để làm chứng về Chúa Giêsu. Qua Tin Mừng thứ tư, chúng ta thấy Gioan được Thiên Chúa cho biết những mầu nhiệm thâm sâu từ nơi cung lòng Thiên Chúa, là người đã tựa vào lòng Chúa trong bữa Tiệc Ly để nghe, cảm và hiểu nhịp đập trái tim của Thầy Giêsu. Dầu vậy, ngài vẫn khiêm nhường, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau. Hành động theo sau này diễn tả một sự vâng phục thẩm quyền mà Chúa đã thiết lập. Khi đọc Tin Mừng Gioan chúng ta cảm được sự hiện diện âm thầm và mãnh liệt của một Thiên Chúa hằng sống, chúng ta có một sự hiểu biết sâu xa nhưng không kém phần khiêm nhường.
Phêrô và Phaolô đã dùng gong cùm và tử đạo, Gioan dùng đời sống tin yêu và viết Tin Mừng để làm sáng danh Chúa. Còn bạn và tôi, chúng ta làm gì để làm sáng danh Chúa đây?