Mới nhất

Bảo tồn cồng chiêng trong cộng đồng người Mạ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Tác giả: K’ Thanh Hiếu[1]

1. Khái quát về người Mạ ở Đồng Nai

Người Mạ là một trong những tộc người bản địa ở vùng đất Đông Nam Bộ và có liên hệ gắn kết khăng khít đối với các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Một số nhà nghiên cứu gọi người Mạ với những tên gọi khác nhau: Mạ Tô, Mạ krung, Mạ ngăn…Trong tác phẩm Gia Định Thành Thông Chí có ghi chép các cư dân bản dịa với định danh chung là Man ở khu vực Biên Hòa[2] lên tới giáp ranh Bình Thuận – Lâm Đồng ngày nay – là nơi cư trú của người Mạ. Trong công trình Rừng Người Thượng, Henri Maitre phân chia người Mạ thành những nhóm khác nhau, chịu sự ảnh hưởng đáng kể của người Khmer, chủ yếu giữa các tổng của tỉnh Bình Thuận và Nam Kỳ. Trong đó, nhóm người Mạ Cop sống trong các vùng núi của vòng khuyên sông Đồng Nai và ngăn cách với người Mạ chính cống bởi phía Tây của cao nguyên[3] có thể là một trong những nhóm người Mạ ở Đồng Nai ngày nay.

Nói về nguồn gốc người Mạ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, vì nhiều lý do khác nhau trong lịch sử, người Mạ đã di chuyển khỏi nơi chốn ban đầu là phía bắc đèo Bảo Lộc làm trung tâm, họ dần men theo các hệ thống sông và định cư tại những vùng đất khác nhau. Từ những cuộc di cư đó, với tập quán gọi tên nơi cư trú là những làng/bòn theo tên những thủ lĩnh hay đặc điểm của môi trường tự nhiên. Cộng đồng người Mạ trên địa bàn có nguồn gốc từ Lâm Đồng tách ra và di cư đến những vị trí hiện tại. Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có các nhóm người Mạ định cư tập trung ở khu vực Tà Lài, Phú Bình, Phú Sơn, Bon Gõ, Phương Lâm (huyện Tân Phú) và Phú Tân – Hiệp Nghĩa – Thanh Tùng (huyện Định Quán). Đây là địa bàn phía Bắc tỉnh Đồng Nai và gần hệ thống sông Đồng Nai. Những vị cao niên người Mạ tại làng Mạ Hiệp Nghĩa cho biết làng gốc ban đầu của họ là từ Malagui[4], họ di cư đến khu vực Trảng Bom đầu thế kỷ XX, sau đó không thích hợp nên họ đã đi ngược lại vùng đất Định Quán. Làng Mạ Hiệp Nghĩa được hình thành từ chính sách “dồn dân, lập ấp chiến lược” của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Riêng làng Mạ Tà Lài được thành lập vào thập niên 80 thế kỷ XX khi nhà nước thực hiện chính sách định canh, định cư với người Mạ. Hiện nay ở Đồng Nai, người Mạ có khoảng 2695 người.[5]

2. Cồng chiêng trong đời sống cộng đồng người Mạ

Trong ngôn ngữ Mạ, cồng chiêng là tên gọi của hai loại hình nhạc cụ khác nhau, tùy vào chức năng sử dụng mà người ta phân làm hai loại: cồng được gọi là “coòng/gòong” và chiêng được gọi là “ching”, trong đó cồng có núm còn chiêng thì bằng, cả cồng và chiêng đều được chế tạo bởi hợp kim đồng. 

Cồng chiêng có lịch sử từ khi nào thì không ai biết, chỉ biết rằng nó đã ăn sâu vào đời sống của các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa mà trong đó dân tộc Mạ là một thành tố. Theo nhiều tài liệu lịch sử và các nhà nghiên cứu thì cồng chiêng được sử dụng phổ biến rộng khắp Đông Nam Á, trong bối cảnh đó thì địa vực phân bố của người Mạ không nằm ngoài không gian ảnh hưởng này. Trong tiềm thức của một số cụ cao niên ở làng Mạ Hiệp Nghĩa, xưa kia cồng chiêng được trao đổi trực tiếp từ khu vực người Mạ trên vùng cao (Mạ đan, Mạ tô[6]) xuống. Số lượng cồng chiêng này có nguồn gốc trực tiếp từ người Chăm, người Lào, người Campuchia, mãi những thế kỷ muộn sau này mới có cồng chiêng của người Việt từ dưới xuôi mang lên trao đổi.

Trước đây, để có thể sở hữu được những bộ cồng chiêng thì người Mạ phải đổi ngang vật – vật. Tùy thuộc vào mức độ quý giá mà được định giá trị khác nhau, chiêng càng cổ thì càng được xem là quý, có những bộ chiêng phải đổi bằng hàng chục trâu bò và các sản vật quý khác. Vì vậy mà cồng chiêng thường được đặt ở những vị trí trang trọng của ngôi nhà, có thể được úp trên miệng những chiếc chóe hay treo một cách trịnh trọng trên vách (tría/clích), làm sao có thể thấy được chúng đầu tiên trước khi bước vào nhà. Điều đó nói lên trong tâm thức của người Mạ xưa kia những bộ cồng chiêng này rất quan trọng và được gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, vừa mang yếu tố tài sản lại vừa mang yếu tố tinh thần. Ngoài ra, trước khi lấy vợ, theo tục lệ ngoài những vật thách cưới thường thấy như heo, gà, dê, chóe… thì cồng chiêng cũng được xem là một trong những vật “nạp tài” của nhà trai đối với nhà gái, chứng tỏ việc chàng trai có của cải, có thể lo được cho người phụ nữ mà anh ta dự định cưới làm vợ.

Trong tâm thức của làng, các dịp lễ hội bao giờ cồng chiêng cũng được sử dụng: các lễ cúng thần, cúng rẫy, tang ma, lễ cưới hay thậm chí có khách đến nhà thì trong buổi tiệc người ta cũng có thể ngẫu hứng đánh cồng chiêng. Tiếng chiêng vang lên như tiếng hồn của buổi lễ, tạo nên không khí nhộn nhịp của từng nhịp đánh hòa vào không khí lễ hội mà lại vừa tạo nên tính trang nghiêm, âm thanh trầm bổng vang xa cùng với những nghi thức tạo nên sự huyền bí, kết nối với một thế giới thần linh trong tâm thức của cộng đồng.

Cồng chiêng được phân định rạch ròi, người Mạ rất hiếm khi sử dụng loại cồng mà chủ yếu là chiêng, bộ chiêng 6 chiếc được xem là một bộ chuẩn của người Mạ trong các dịp sử dụng.

Theo phân loại, hiện nay trên địa bàn xã Tà Lài (Tân Phú) còn một đội cồng chiêng 6 chiếc, được đặt tên theo âm khác nhau:

Chinh[7] thứ 1: (lớn nhất), tên là pàng[8] được biên chế là chinh Bố

Chinh thứ 2: có tên là Rơđơm được biên chế là chinh Mẹ

Chinh thứ 3: có tên là Đơn được biên chế là chinh Con

Chinh thứ 4: có tên là Thoong được biên chế là chinh Con

Chinh thứ 5: có tên là Thơ được biên chế là chinh Con

Chinh thứ 6: có tên là Thê được biên chế là chinh Con[9]

Hệ thống chiêng ngoài được đặt tên theo âm, thì kích thước cũng có xu hướng nhỏ dần từ chiêng thứ nhất đến chiêng thứ sáu. Để sử dụng bộ chiêng sáu chiếc cần 6 người, có thể ngồi hay đứng đều có thể đánh chiêng[10]. Khi đánh người phụ trách chiêng pàng đi trước, tiếp theo là các chiêng mẹ và chiêng con, tùy thuộc vào phục vụ trong hoàn cảnh nào mà người ta đi theo một hình dạng cố định, chủ yếu là đi thành hình vòng tròn xung quanh một vật thể làm trọng tâm, vừa đánh chiêng vừa nhún nhẹ bước đều theo tiết tấu của bài chiêng. Thông thường người đánh sử dụng một lực từ tay phải tác động vào một phần nữa dưới của chiêng, tay còn lại co chụm lại tùy vào tiết tấu để tạo ra các âm thanh theo ý muốn. Để giữ chiêng cố định, người ta khoét hai lỗ trên gờ mép của chiêng và sử dụng dây để buộc, đeo vào bên vai trái của người đánh.

Một số bài chiêng người Mạ sử dụng như: Mừng đón khách, mừng lúa mới, mừng lễ cưới, cầu thần rừng, cầu mùa màng, lễ đâm trâu, lễ kết nghĩa, mừng già làng, cám ơn khách, tạm biệt khách…[11].

Tuy nhiên trong tình hình hội nhập hiện nay, người Mạ ngày càng ít khi sử dụng chiêng, chỉ khi có những dịp lễ hội đặc biệt thì họ mới sử dụng chiêng, số lượng người biết sử dụng cũng rất ít. Điển hình như thành viên của đội hình chiêng làng Mạ Tà Lài cũng tham gia vào đội hình chiêng làng Mạ ở Hiệp Nghĩa[12]. Lần gần nhất đội hình chiêng của người Mạ Hiệp Nghĩa được sử dụng là tại lễ đón cha tân Chánh xứ của giáo xứ Đankar[13] thì đội hình chiêng mới được tập hợp. Trước những năm 2000 trong lễ cưới của người Mạ vẫn còn thấy hình ảnh đội chiêng trong tiệc mừng cưới, nhưng gần đây hình ảnh đó cũng không còn thấy xuất hiện nữa mà đã theo xu hướng hướng hiện đại của người Việt.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù người Mạ phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc của tỉnh, với ít nhất là 7 làng tập trung. Nếu như trong lịch sử hầu như mỗi nhà thường có ít nhất 1 chiêng, mỗi làng ít nhất là một đội chiêng thì hiện tại chỉ còn hai đội đánh chiêng tại Tà Lài và Hiệp Nghĩa là hai làng có số lượng nhân khẩu đông nhất. Tuy nhiên cũng có hiện tượng rời rạc chắp vá đội hình để đánh và không có một đội hình hoàn chỉnh cố định. Trong đội hình mỗi người sở hữu 1 hoặc 2 chiêng riêng biệt, rời rạc và không có một bộ sưu tập thống nhất trọn vẹn 6 chiếc tại một vị trí lưu giữ cố định cũng khiến cho lượng chiêng này rất dễ bị phân tán và bị khuyết nếu một trong những người sỡ hữu không có ý định lưu giữ.

3. Những gợi mở bảo tồn cồng chiêng của người Mạ hiện nay

Tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho việc phát huy và bảo tồn các giá trị truyền thống, không chỉ loại hình riêng biệt cồng chiêng mà hầu hết những giá trị văn hóa phi vật thể đều đang đứng trước nguy cơ mai một. Những hình thức hoạt động xã hội hiện đại đã dần chiếm ưu thế khiến cho những bản sắc vốn có của các cư dân bản địa dần lụi tàn, những lớp nghệ nhân đang dần mất đi và thế hệ trẻ đang có xu hướng hiện đại hóa, ít quan tâm đến bản sắc riêng của tộc người mình, minh chứng là những hình thức sinh hoạt cồng chiêng đang dần vắng bóng tại các làng Mạ. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nó cho thấy tầm quan trọng của loại hình này đối với đời sống tinh thần của các tộc người Tây Nguyên mà người Mạ cũng là một phần trong chủ thể đó. Bề ngoài tuy có thể hình dáng của những chiếc cồng chiêng có thể na ná nhau, nhưng sự cảm nhận và sự sáng tác âm điệu, cách thức thể hiện của mỗi dân tộc là khác nhau. Mặc dù không gian được công nhận chỉ bao gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và không có tỉnh Đồng Nai, nhưng việc định cư của người Mạ trong lịch sử không có khái niệm biên giới hành chính như ngày nay, trải dài từ không gian tỉnh Lâm Đồng làm chính yếu xuống đến vùng bán bình nguyên của Đông Nam Bộ. Do đó có thể nói người Mạ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một phần Đồng Nai cùng những dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên chính là chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng này. 

Hình thức tồn tại của cồng chiêng có thể nói thuộc về âm nhạc dân gian, bối cảnh hiện đại hóa là thách thức rất lớn trong việc bảo tồn và gìn giữ. Chúng tôi nhận thấy rằng cần tập hợp những người nghệ nhân còn lại biết về cồng chiêng và nếu có thể rót kinh phí hỗ trợ nhằm giúp họ giữ lửa, đặc biệt là những người biết thẩm âm[14]. Họ là những nhân tố rất ít còn xót lại am hiểu về thể loại nghệ thuật đặc biệt này, cần có sự quan tâm đúng mức nhằm hỗ trợ họ trong cuộc sống để có thể chuyên tâm truyền đạt những tri thức cho thế hệ mai sau.

Cùng với việc giữ lửa cho các nghệ nhân thì cần tiến hành mở các lớp dạy học cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Phổ biến cho những người trẻ hiểu được giá trị đặc biệt của cồng chiêng trong tiềm thức cộng đồng, từ đó khơi dậy lòng đam mê của họ đối với cồng chiêng. Chính họ sẽ là những người kế thừa, là chủ thể tương lai của di sản độc đáo này trong cộng đồng nói riêng và góp phần vào cả không gian văn hóa cồng chiêng nói chung. Không ai có thể thay thế họ giữ được cái “hồn”, cái bản chất riêng có của dân tộc họ.

Tham khảo các cách thức chế tạo cồng chiêng trong lịch sử và tiến hành mô phỏng, phục dựng, tái tạo không gian vốn có của cồng chiêng. Với trình độ luyện kim đồng và phân tích hiện nay thì việc tái dựng là không khó. Ngày nay cồng chiêng trong cộng đồng không còn nhiều vì nhiều lý do, đồng nghĩa với việc cơ hội tiếp cận đối với những bộ cồng chiêng vốn dĩ mang tính chất tài sản quý trở nên khó khăn đối với thế hệ trẻ. Vì thế việc cung cấp cồng chiêng khuyết thiếu sẽ giúp ít cho việc phổ biến cồng chiêng trong cộng đồng. Cần nhận thấy cồng chiêng không thể thực hiện trong một không gian rời rạc, phải có sự phát triển đồng bộ từ các loại hình song song như kiến trúc, phong tục tập quán, không gian sinh hoạt cộng đồng và những loại hình khác. Vậy nên để phát huy hiệu quả tối đa của không gian văn hóa cồng chiêng cần đặt nó đúng với bối cảnh văn hóa của nó.

Bước đi lâu dài là dựa vào chính nó để nuôi sống nó, tích cực quảng bá nhằm phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa. Mẫu hình đáng quan tâm học tập là cộng đồng người Mạ ở tỉnh Lâm Đồng, họ thực hiện khá thành công trong việc kết hợp giữa cồng chiêng với du lịch, tạo nguồn kinh phí để có thể duy trì lâu dài.

Ngoài sự nỗ lực bảo tồn của các cấp chính quyền thì cũng có thể kết hợp một số nghi thức cồng chiêng trong sinh hoạt tôn giáo của cư dân Mạ trên địa bàn tỉnh, có thể lấy ví dụ giáo xứ ĐănKar[15] trong việc sử dụng trang phục dân tộc truyền thống và cồng chiêng trong một số nghi thức trọng thể của tôn giáo[16]. Chúng tôi nhận thấy rằng việc kết hợp giữa bảo tồn những giá trị văn hóa cốt lõi đối với tôn giáo là một việc làm rất có tiềm năng trong việc hướng đến bảo tồn giá trị truyền thống của cộng đồng xen kẽ niềm tin tôn giáo.

Cuối cùng, lịch sử sẽ luôn phát triển tích cực dựa trên các giá trị truyền thống tốt đẹp của chính nó, việc áp dụng các giải pháp bảo tồn không chỉ giứ gìn bản sắc tộc người Mạ nói riêng mà còn góp phần vào việc giữ gìn vào bản sắc văn hóa đa dạng của Việt Nam trong xã hội hiện nay nói chung.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Trịnh Hoài Đức (2006). Gia Định Thành Thông Chí. Lý Việt Dũng dịch và chú giải. Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.
  2. Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai (2011). Văn hóa người Mạ.
  3. Henri Maitre (2008). Rừng Người Thượng – vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam. (Lưu Đình Tuân dịch) Hà Nội. Nxb. Tri thức.
  4. Tổng cục Thống Kê (2020). Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Nxb.Thống Kê.

[1] (SV khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Tp.HCM). Email: kthanhhieu1996@gmail.com

[2] Trịnh Hoài Đức (2008), Gia Định Thành Thông Chí. Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai. tr.15-16.

[3]Henri Maitre. (2008). Rừng Người Thượng – vùng rừng núi cao nguyên miền Trung Việt Nam. (Lưu Đình Tuân dịch) Hà Nội: Nxb. Tri thức. Tr.142-143.

[4] Theo vốn từ Mạ của chúng tôi, Malagui/Madagui là do đọc chệch ra từ danh từ “Mạ Thsạ Guôi”, giải nghĩa ra thực chất có nghĩa là một bộ phận người Mạ ở địa danh có tên “Thsạ Guôi”.

[5] Tổng cục Thống Kê (2020). Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Nxb.Thống Kê. Tr.17.

[6] Ám chỉ một bộ phận người Mạ vùng cao: Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay.

[7] Về tên gọi Ching/chinh/chiêng: việc định danh dựa trên việc ký âm sang chữ quốc ngữ nên có sự khác nhau, ở đây chúng tôi để nguyên văn theo tác giả.

[8] Trong ngôn ngữ người Mạ, Pàng được hiểu là sự thể hiện kính trọng, thuộc hàng ông/bà. Trong trường hợp ching này có thể hiểu đây là ching cái.

[9] Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai. (2011). Văn hóa người Mạ. Tr.131-132.

[10] Trong ngôn ngữ Mạ, đánh chiêng được gọi là “tun ching”. Trong đó “tun” mang nghĩa đánh/đấm nhưng lực sử dụng không quá mạnh, vừa đủ để tạo ra âm thanh cần thiết.

[11] Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai. (2011). Văn hóa người Mạ. Tr.132.

[12] Trường hợp ông K’ Niểu, ngụ tại kp.Hiệp Nghĩa – t.t.Định Quán – h.Định Quán – t.Đồng Nai

[13] Buổi lễ diễn ra vào ngày 13/5/2022.

[14] Trong ngôn ngữ Mạ, nghệ nhân biết thẩm âm được gọi là những người có “tồn chao yao”, ý nghĩa tôn trọng và ngụ ý rằng họ là những người có lỗ tai của người xưa, có thể biết và định hình được tiếng chiêng.

[15] Giáo xứ tiền thân là Họ đạo Trung Hiếu, được thành lập vào năm 1963, nâng hàng Giáo xứ vào năm 2008. Hiện nay tọa lạc tại kp. Hiệp Nghĩa – t.t. Định Quán – h. Định Quán – t. Đồng Nai

[16] Trước đây sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng còn đọc những bài kinh bằng chính tiếng Mạ của mình.

Về Ban biên tập

Hãy kiểm tra thêm

Ý nghĩa của núi trong văn hóa và tín ngưỡng: Từ Kinh Thánh, văn hóa Kòn Cau đến các tộc người trên thế giới

Núi, từ lâu, đã vượt ra khỏi ý nghĩa địa lý đơn thuần để trở …

Hiểu về văn hóa cổ truyền như thế nào ?

Văn hóa cổ truyền là biểu hiện sống động của bản sắc con người, được …

Vũ trụ quan và sự sống đời sau

“Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy, người …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.