Xưa kia, giữa những khu rừng nguyên sinh hùng vĩ của miền Nam cao nguyên, nơi núi non kỳ vĩ hòa cùng những dòng sông chảy xiết, bộ tộc Kòn Cau đã tồn tại hàng trăm thế hệ. Họ là một tộc người oai hùng, gắn kết với thiên nhiên và duy trì những phong tục, tập quán linh thiêng mà tổ tiên đã thiết lập và truyền lại từ xa xưa. Ý nghĩa và tính linh thiêng được thể hiện trong từng quan niệm nhân sinh, từng hành vi, từng nghi lễ của cộng đồng. Đó như là dấu chỉ của sự nối kết đất thấp với Trời Cao, con người với nhau và con người với vạn vật trong vũ trụ bao la rộng lớn này. Trong số họ, thủ lĩnh K’ Song nổi bật như một người khôn ngoan và dũng cảm, không chỉ dẫn dắt bộ tộc qua những thử thách khắc nghiệt của đất trời mà còn bảo vệ họ trước những kẻ thù từ các bộ tộc láng giềng.
K’ Kồng, con trai của thủ lãnh K’ Song, là niềm hy vọng lớn lao của bộ tộc. Từ thuở nhỏ, anh đã thể hiện trí tuệ vượt trội và lòng dũng cảm phi thường, nhưng trong lòng luôn có khát khao vươn tới những chân trời mới, vượt khỏi giới hạn của bộ tộc mình. K’ Kồng không chỉ muốn trở thành một chiến binh mạnh mẽ như cha, mà còn khao khát tìm hiểu về thế giới rộng lớn và huyền bí ngoài kia. Anh chăm chú lắng nghe những câu chuyện kỳ bí từ các thương nhân và kẻ lữ hành, kể về những vùng đất xa xôi và những cuộc chiến tranh lớn bùng nổ bên kia dãy núi, bên kia con sông, bên kia biển khơi, v.v.
Nhưng thời đại của K’ Kồng bắt đầu thay đổi. Miền cao nguyên thời đó không bao giờ thực sự bình yên lâu dài. Sự yên ổn chỉ đến trong thoáng chốc. Sau mỗi cuộc đụng độ giữa kòn cau[1] (người miền cao) và cau Prum (người Chăm), giữa kòn cau và cau Kur (người Khmer), chiến tranh lại tiếp diễn giữa kòn cau và Yoan (người Việt). Kòn cau mất mát khá nhiều, nhiều người bị bắt làm nô lệ, bị bán cho các tộc người khác. Riêng Kòn Cau, các bộ lạc từ bộ tộc duy nhất này đã bị phân tán và phân tách nhau. Sau này, các tên gọi khác nhau cũng được hình thành. Chưa kể, các cuộc xung đột giữa các bộ tộc và tộc người khác cũng liên tục xảy ra. Đất đai của người bản xứ vùng sơn cước ngày càng bị thu hẹp. Dù vậy, khi hòa bình tạm thời được lập lại, các bộ tộc Kòn Cau trở về với cuộc sống thường nhật, duy trì các hoạt động sinh hoạt dân làng theo truyền thống của tổ tiên.
Nhưng rồi, cau Tơi (người da trắng) xuất hiện ngày một nhiều, mang theo lính tráng và súng ống. Trước đây, cha ông kòn cau chỉ chiến đấu bằng những vũ khí thô sơ tự chế, đủ để chống trả các kẻ thù khi họ xâm nhập vào vùng núi hiểm trở. Nhưng những loại vũ khí đó giờ đây không còn hiệu quả trước người Tơi. Họ đổ bộ lên cao nguyên với trực thăng và xe jeep, thứ mà trước kia rất hiếm thấy. Khi lần đầu nhìn thấy chúng, các cụ già tưởng là Yàng, dẫn đến các hành vi cúng bái. Nhưng giờ đây, những thứ ấy không còn lạ lẫm nữa. Người dân sống trong nỗi lo không chỉ vì thú dữ mà còn vì nỗi sợ bị giết hại hoặc bị trúng bom đạn bất ngờ. Việc lên nương làm rẫy cũng trở nên ngần ngại vì hiểm họa luôn chực chờ. Bên cạnh họ, lính canh gác và súng ống có mặt ngày đêm.
Tuy nhiên, không phải ai đến cao nguyên cũng mang tâm thế bạo lực hay đe dọa. Trong số họ, có những quân nhân, lính tráng và cả các vị truyền đạo, y sĩ với tấm lòng chân thành và thân thiện. Họ đến với người dân, sống cùng, chăm sóc, bảo vệ và sẵn sàng hỗ trợ trong những lúc khó khăn. Trong số đó, có một cụ già với bộ râu xồm xoàm, đi cùng là một nhóm người trông giống như đầy tớ, họ mặc áo chùng màu đen sẫm, cổ áo tròn màu trắng. Trên cổ họ đeo một vật gì đó trông giống như hình chữ thập, gợi lên sự nghiêm trang như những cau Yàng[2] của bộ tộc, khiến mọi người không khỏi tò mò và thầm kính trọng. Trong khi người mang theo những món hàng lạ lẫm và những câu chuyện về các quốc gia hùng mạnh, cụ già cao niên ấy, với ánh mắt hiền từ, đã chọn một con đường khác. Cụ không chỉ đứng nhìn từ xa mà chủ động đến gần với người dân. Cụ dựng một cái lều tạm giữa buôn làng và ngày ngày miệt mài học hỏi ngôn ngữ, tìm hiểu cuộc sống của Kòn Cau. Sự kiên nhẫn và tấm lòng chân thành của cụ khiến dân làng dần dần mở lòng, xem cụ như một phần của buôn làng, không còn xa lạ.
Cụ già bắt đầu làm quen và tiếp cận với thủ lãnh K’ Song, người đứng đầu buôn làng, dần dần hai người trở thành bạn thân thiết. Tình bạn của họ phát triển qua những buổi chuyện trò dài, chia sẻ về văn hóa, tập tục của dân làng Kòn Cau và những điều cụ học được từ cuộc sống bên ngoài. Người dân, cảm nhận được sự chân thành của cụ, đã quyết định tuyển nạp cụ như một thành viên chính thức của cộng đồng. Qua một nghi lễ hiến tế dê long trọng, cụ được ban cho một cái tên mới, “Dăm Bò,” vì da của cụ trắng hơn các vị khác.
K’ Kồng và nhiều người khác trong làng dần trở thành học trò của Dăm Bò. Họ bị cuốn hút bởi những lời dạy mới mẻ và tấm lòng chân thành của cụ. Mỗi ngày, sau khi làm rẫy hay săn bắn, họ lại tìm đến căn lều nhỏ của Dăm Bò để lắng nghe những câu chuyện về Yàng Emmanuel và học hỏi từ cụ. Từ sự kính trọng, họ bắt đầu gọi cụ là “pugru kra” — nghĩa là “thầy già.” Dần dần, tên gọi này được rút ngắn thành “pugru,” trở thành tên gọi trìu mến mà dân làng dành cho cụ. Đây cũng là tên gọi mà Kòn Cau gọi các thầy dạy văn hóa và còn các nam tu sĩ[3] trên miền Nam cao nguyên trong chính ngôn ngữ của họ.
Trong căn lều tạm mà cụ dựng lên giữa buôn làng, cụ treo một bức tượng đặc biệt: hình một người với vẻ đau khổ, đầu quấn vòng gai, hình hài tan nát, máu me loang lổ, bị treo trên một cây hình chữ thập. Hình ảnh đó khiến dân làng Kòn Cau không khỏi ngạc nhiên và tò mò. Ban đầu, người ta hơi rụt rè, họ cho rằng Dăm Bò là một cau gru.[4] Nhưng rồi, đời sống của cụ không giống những gì họ nghĩ. Khi có người hỏi về bức tượng ấy, cụ nhẹ nhàng giải thích rằng đó là Đấng Emmanuel, Yàng của cụ, một vị Thần linh đã chịu đau khổ, chịu chết vì con người. Mỗi khi được chia sẻ về Yàng, cụ không ngần ngại nói về một vị Yàng Duy Nhất, Đấng Emmanuel, Đấng luôn đồng hành cùng con người qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Cụ tự xưng mình là cau dờp pơyôa (vị thừa sai), người rao giảng về Đấng Emmanuel.
Ban đầu, Kòn Cau, kể cả K’ Kồng, không hiểu được hết thông điệp này. Nhưng từng ngày tháng trôi qua, họ cảm nhận sự khác biệt trong cách sống và niềm tin của những người Tơi, đặc biệt là qua Dăm Bò. K’ Kồng, giờ đây đã trưởng thành, nhận thấy sức khỏe cha mình đang yếu dần. Một ngày nọ, K’ Song gọi con trai đến bên, với giọng nói trầm lắng của người thủ lĩnh từng trải: “K’ Kồng, con sẽ kế vị ta. Thời đại của con khác với của cha. Hãy học cách đối mặt với thế giới mới, nơi những điều chúng ta chưa từng biết đến đang đến gần.”
K’ Kồng đã trưởng thành. Dân làng và cha anh tổ chức một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cho anh. Người ta hiến tế dê, heo và dâng anh lên Yàng. Tên gọi của anh cũng vì thế có sự thay đổi. Anh thanh niên này không còn được gọi là “K’ Kồng” như trước đây nữa, mà là “K’ Kồng dam Jak” nghĩa là “Kồng giỏi giang.” Bởi lẽ, anh vốn đã rất thông minh lanh lợi và là một “túi khôn” trẻ của buôn làng. Nghi lễ mà anh là người thụ lễ cũng nói đến sự hiến dâng và thuộc về Yàng của anh.
Một lần nọ, trước mặt dòng tộc, quanh quẩn bên hủ rượu cần, cha anh thực hành một nghi lễ khác. Sau khi thỉnh ý Yàng, khui ché rượu cần và cầu nguyện, thủ lãnh già K’ Song cởi bỏ chiếc mũ lông vũ trên đầu của mình mà đeo lên đầu của K’ Kồng. Đây là biểu tượng của quyền uy, của lãnh đạo tinh thần và sự thuộc về Yàng mà chỉ có các vị thủ lãnh mới sở hữu. Nghi lễ kết thúc, K’ Kồng chính thức trở thành một vị thủ lãnh mới của buôn làng. Và anh sẽ là người lãnh đạo tinh thần đầy quyền uy sau khi cha của anh qua đời.
Anh trở thành thủ lĩnh trong một thời kỳ biến chuyển lớn lao. Sự hiện diện của người Tơi tăng dần, và những mâu thuẫn giữa các bộ tộc ngày càng nảy sinh. Nhưng thay vì tiếp tục chiến tranh, K’ Kồng lựa chọn học hỏi từ những người mới. Anh bắt đầu lắng nghe các nhà truyền giáo, cảm nhận sự hiện diện thiêng liêng của Đấng Emmanuel – Đấng không chỉ là Yàng Duy Nhất mà còn là Đấng luôn ở cùng con người, dẫn dắt họ qua mọi thử thách.
Mỗi lần nọ, K’ Kồng đang hiện diện trong nhà nguyện mái tranh, trước Nhà Tạm, tâm trí anh hiện lên những suy nghĩ về niềm tin. Trong những khoảnh khắc linh thiêng, anh cảm nhận một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ. Tâm trí anh như có tiếng nói và tâm hồn anh cảm giác bình an lạ kỳ: “Ta là Đấng Emmanuel. Ta đã và đang ở cùng các con từ thuở xa xưa, đồng hành qua mọi thăng trầm của cuộc sống.”
Từ những giây phút ấy, K’ Kồng bắt đầu hành trình tò mò, của một con người thích phiêu lưu, tìm kiếm và khám phá những điều mới lạ. Anh mong mỏi hiểu thấu những gì anh có thể cảm nhận được. Dăm Bò đã đồng hành và giúp đỡ anh trên hành trình tìm kiếm sự thật này. Và anh hiểu rằng Đấng Emmanuel không phải là Yàng mới mà là Đấng mà tổ tiên anh hằng tìm kiếm suốt bao thế hệ. Anh bắt đầu dẫn dắt bộ tộc Kòn Cau theo một con đường mới – con đường đan xen giữa truyền thống tổ tiên và niềm tin vào Đấng Emmanuel. Dưới sự lãnh đạo của K’ Kồng, bộ tộc không từ bỏ những giá trị cổ xưa, mà càng thêm gắn kết chúng với ánh sáng của một đức tin cao cả.
Sự chuyển đổi này không dễ dàng. Các vị cao niên và các cụ già lo sợ rằng việc đón nhận đức tin mới sẽ làm phai mờ bản sắc của bộ tộc. Nhưng K’ Kồng, với lòng kiên nhẫn và sự thấu hiểu, giải thích rằng niềm tin vào Đấng Emmanuel chính là sự hoàn thành của mọi giá trị mà cha ông họ đã truyền lại.
“Đấng Emmanuel không phá hủy truyền thống của chúng ta,” K’ Kồng nói, “mà Ngài làm cho nó trở nên hoàn thiện hơn. Cha ông chúng ta đã tìm kiếm điều gì đó vĩ đại hơn, và giờ đây, chúng ta đã tìm thấy điều đó trong Ngài.”
Dưới sự dẫn dắt của K’ Kồng, bộ tộc Kòn Cau giữ vững văn hóa truyền thống nhưng cũng mở lòng đón nhận niềm tin mới. Họ không chỉ tôn trọng thiên nhiên và tổ tiên như trước, mà giờ đây còn cầu nguyện dưới ánh sáng của Đấng Emmanuel, Đấng đã và đang đồng hành cùng họ trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống.
Trải qua bao thử thách, K’ Kồng không chỉ là một thủ lãnh oai hùng mà còn là một sứ giả tâm linh, người đã đưa bộ tộc Kòn Cau đến với sự thật mà họ luôn tìm kiếm. Niềm tin vào Đấng Emmanuel không chỉ là một đức tin mới, mà còn là ánh sáng soi đường cho mọi khát vọng sâu xa nhất của con người nơi đại ngàn hùng vĩ.
Từ khi đón nhận đức tin vào Đấng Emmanuel, không chỉ có K’ Kồng mà toàn thể bộ tộc Kòn Cau dần nhận ra rằng Yàng này không phải là một Thần linh xa vời hay chỉ hiện diện trong những nghi lễ trang trọng. Ngược lại, Đấng Emmanuel luôn ở cùng họ, hòa quyện vào từng bước đi, từng lời cầu nguyện và trong những giây phút của cuộc sống hằng ngày. Mọi người cảm nhận được sự hiện diện thiêng liêng của Ngài trong tiếng gió rì rào qua cánh rừng, trong tiếng suối róc rách nơi triền núi, qua những cuộc gặp gỡ thân tình với nhau hàng ngày và trong cả những mùa thu hoạch tràn đầy niềm vui.
Từ đó, niềm tin vào Đấng Emmanuel trở thành sợi dây gắn kết cả buôn làng, không chỉ trong những khoảnh khắc cầu nguyện chung, mà còn trong từng hành động nhỏ bé hằng ngày. Những giá trị truyền thống được giữ vững, nhưng giờ đây chúng được soi sáng bởi một sự hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin và Tin Mừng. Bộ tộc Kòn Cau sống chan hòa và yêu thương nhau hơn, họ nhận ra rằng sự hiện diện của Đấng Emmanuel không chỉ là sự bảo vệ, mà còn là nguồn mạch của sự sống, giúp họ sống tốt đẹp, để đối xử với nhau bằng lòng nhân ái và sự bao dung, làm triển nở những tương quan vốn đã có trong cộng đồng.
Cả buôn làng cùng nhau xây dựng một cuộc sống tràn đầy sự sẻ chia và đoàn kết trong tinh thần cộng đồng. Mỗi mùa thu hoạch, mỗi buổi lễ hội, niềm tin mới vào Đấng Emmanuel hòa quyện với những truyền thống cổ xưa, tạo nên một sức mạnh mới. Và từ đó, Kòn Cau trở thành một cộng đồng hiệp nhất, nơi mà mọi người cùng nhau sống và làm việc với lòng tin vững vàng rằng Đấng Emmanuel luôn hiện diện, dẫn dắt họ vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời.
Câu chuyện về cuộc hành trình của K’ Kồng và tộc Kòn Cau là một bức tranh phản chiếu sự chuyển mình của niềm tin trong nhân loại. Từ việc thờ đa thần như Kòn Cau xưa và nhiều tộc người khác trên thế giới, đến niềm tin độc thần của người Do Thái – những người đã đi trước nhân loại trong việc nhận biết Đấng Tối Cao và sau cùng là sự kiện toàn niềm tin qua sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô.
K’ Kồng đã nhận ra rằng, trong khi cha ông của anh tìm kiếm Yàng qua những dấu hiệu của thiên nhiên, qua những nghi lễ, các câu văn vần được đúc kết lại, tất cả chỉ là biểu hiện của một khát khao lớn hơn, một mong muốn hiểu biết và kết nối với Đấng Sáng Tạo thật sự. Chính Đấng Emmanuel là sự hoàn thiện của mọi tín ngưỡng, là đáp án cho những câu hỏi mà tổ tiên của K’ Kồng đã từng khắc khoải tìm kiếm.
Bằng cách tiếp cận văn hóa cổ truyền của bộ tộc Kòn Cau, nội dung trong cuốn sách này không chỉ kể lại những câu chuyện tín ngưỡng cổ xưa mà còn cho thấy cách mà niềm tin ấy được kiện toàn qua sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô. K’ Kồng đã khám phá điều mà cha ông không bao giờ có thể ngờ tới rằng, niềm tin vào Đấng Emmanuel đã mang lại ánh sáng mới, giúp họ hiểu rõ hơn về vũ trụ và bản thân mình. Và từ đó, bộ tộc của anh có được sự bình an và cuộc sống của họ tràn đầy niềm hy vọng. Điều mà họ từng tìm kiếm trong nhiều thế hệ.
Cuốn sách là hành trình của niềm tin, của sự kiện toàn qua mặc khải và ánh sáng của Đấng Emmanuel. Một cuộc đối thoại giữa K’ Kồng và Dăm Bò. Một câu chuyện không chỉ dành riêng cho K’ Kồng và bộ tộc của anh mà còn dành cho tất cả chúng ta, những người luôn tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và vũ trụ.
[1] “Kòn cau” đọc là (con chau).
[2] “Cau Yàng” là cách gọi khi các vị thủ lãnh, các cụ già làng thực thi phần vụ cầu Thần tế lễ. Các vị này thay mặt cộng đồng để thực hành nghi lễ tế Thần, nên được Kòn Cau gọi là “Cau Yàng” (người của Thần linh).
[3] Nữ tu sĩ được gọi là Mè – có nghĩa là “Mẹ” trong ngôn ngữ Kòn Cau.
[4] “Cau gru” nghĩa là phù thủy hay pháp sư.