2. Lời ngỏ

Trên vùng đất cao nguyên rộng lớn, nơi bạt ngàn núi rừng với những làn gió núi thổi qua những rừng già nguyên sinh và sông suối dày đặc, K’ Kồng, vị thủ lãnh trẻ tuổi của bộ tộc Kòn Cau, đã bắt đầu một hành trình phiêu lưu đầy thú vị. Với lòng nhiệt huyết của một người dẫn đầu và sự khát khao tìm kiếm chân lý, K’ Kồng đã lớn lên trong một nền văn hóa ngập tràn niềm tin vào thế giới siêu nhiên – Yàng – các vị Thần linh thiêng của bộ tộc mình. Đối với kòn cau,[1] niềm tin đã là một phần không thể thiếu của cuộc sống, một sợi dây vô hình kết nối họ với thiên nhiên và vũ trụ.

Trong sự phong phú và đa dạng của hệ thống niềm tin truyền thống, mỗi buôn làng của kòn cau có những Yàng khác nhau mà họ tôn thờ. Họ tin rằng Yàng là các vị Thần linh ban sự sống và bảo vệ buôn làng, nhưng K’ Kồng luôn cảm thấy rằng đằng sau những Yàng ấy còn ẩn chứa một điều gì đó to lớn hơn – một sự thật lớn lao về sự tồn tại của thế giới. Và chính sự khao khát đó đã dẫn anh vào một cuộc hành trình tìm kiếm sự thật đích thực, để làm sáng tỏ những câu hỏi tồn tại trong trái tim anh từ thuở bé.

Cuộc gặp gỡ định mệnh với Dăm Bò, một vị thừa sai người Canada, đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của K’ Kồng. Dăm Bò là một linh mục giàu kinh nghiệm và là giới tri thức, từng đi qua nhiều nơi và hiểu biết nhiều nền văn hóa các tộc người trên thế giới. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, khi người Pháp bắt đầu đặt chân lên Tây Nguyên, Dăm Bò vẫn kiên trì với sứ mạng của mình, mang thông điệp của niềm tin vào một Yàng duy nhất – Đấng Sáng Tạo ra vũ trụ và là nguồn gốc của mọi sự sống. Sự xuất hiện của ông đã khơi dậy những cuộc đối thoại sâu sắc giữa ông và K’ Kồng, dẫn dắt thủ lãnh trẻ vào những suy tư và thách thức lớn lao về niềm tin của bộ tộc mình.

Qua những buổi trò chuyện với Dăm Bò, K’ Kồng dần dần nhận ra rằng niềm tin không chỉ dừng lại ở các Yàng của Kòn Cau, mà còn đi xa hơn, có một Đấng Sáng Tạo duy nhất – một Yàng tối cao, không chỉ là Yàng của một bộ tộc hay một vùng đất, mà là Chúa tể của cả nhân loại. Dăm Bò đã giải thích rằng tất cả sự sống, mọi vẻ đẹp và sự kỳ diệu của tự nhiên, đều là tác phẩm của một Đấng Sáng Tạo duy nhất. K’ Kồng bị cuốn hút bởi điều này, một chân lý vượt qua những giới hạn của niềm tin cổ truyền, mở ra trước mắt anh một thế giới mới mẻ, một thế giới của mặc khải và ánh sáng thiêng liêng.

Trong quá trình tìm hiểu, K’ Kồng đã tự hỏi: Ai là người đã nhìn thấy và ghi chép lại những điều kỳ diệu này? Linh hồn, sự hiện diện vô hình nhưng mạnh mẽ trong mỗi con người, đã khơi nguồn cho niềm khao khát hướng về Yàng, nhưng làm sao có thể xác nhận được rằng thế giới chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, giữa bối cảnh các tôn giáo khác nhau, mỗi nơi thờ phụng các Yàng riêng? Những câu hỏi về sự dữ, về ma quỷ và sự ác cũng làm anh suy ngẫm sâu sắc hơn về bản chất con người và nhu cầu mặc khải – sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa vào thế giới.

Trên nền tảng của niềm tin cổ truyền, K’ Kồng bắt đầu bước vào cuộc hành trình khám phá một Yàng không chỉ là thần của riêng bộ tộc mình mà là Thiên Chúa của toàn nhân loại. Qua cuộc trao đổi với Dăm Bò, anh nhận ra rằng Đấng Emmanuel đã luôn ở cùng từ thuở tạo thiên lập địa và đã đến, đang hiện diện giữa thế gian, mang theo một giao ước mới, và Kitô giáo chính là sự kiện toàn niềm tin và tất cả những nghi lễ truyền thống mà anh từng biết đến. Đấng Tạo hóa đã không bỏ rơi nhân loại sau khi tạo dựng mọi thứ và trong sự mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, K’ Kồng hiểu rằng anh đang đối diện với một chân lý lớn lao mà cha ông mình không thể ngờ tới.

Trong từng bước hành trình, K’ Kồng vừa học hỏi vừa đối diện với những thử thách của bản thân. Anh nhận ra rằng không chỉ có việc hiểu rõ văn hóa và niềm tin của mình, mà còn phải đối chiếu chúng với chân lý mới mà anh khám phá ra. Văn hóa chứa đựng những giá trị tinh thần cao đẹp, nhưng cũng có những điều chưa hoàn thiện, và cần phải được thanh tẩy dưới ánh sáng của mặc khải. Những nghi lễ cổ truyền, những giá trị tâm linh sâu sắc cần được giữ gìn, nhưng cũng cần phải từ bỏ tà thần, những yếu tố đi ngược lại với phẩm giá con người.

Với vai trò là một thủ lãnh, K’ Kồng không chỉ là người tìm kiếm sự thật cho bản thân, mà còn là người dẫn dắt buôn làng mình đến với niềm tin mới. Hành trình của anh là hành trình của một tâm hồn khao khát chân lý, mở lòng đón nhận ánh sáng thiêng liêng. Anh đã đưa buôn làng của mình ra khỏi bóng tối của những nghi lễ cổ xưa, để đón nhận ánh sáng của Đức Kitô, Đấng Emmanuel – Thiên Chúa của tình yêu và sự sống.

Cuốn sách này đưa độc giả vào một câu chuyện không chỉ về một cá nhân, mà còn về cả một bộ tộc đang đứng trước ngưỡng cửa của sự biến đổi. Hành trình của K’ Kồng là câu chuyện của niềm tin, của sự khao khát tìm kiếm chân lý, của sự giao thoa giữa truyền thống và mặc khải thiêng liêng. Qua đó, ta thấy được tấm lòng cởi mở và chân thành của một vị thủ lãnh, người đã không ngừng tìm kiếm và cuối cùng đã tìm thấy sự thật đích thực trong tình yêu của Thiên Chúa.

[1] Phân biệt ‘kòn cau’ (viết thường) chỉ tộc người bản xứ Tây Nguyên và cả các cư dân miền sơn cước trong ngôn ngữ của Kòn Cau, tên định danh này được gọi bởi cộng đồng Nam Tây Nguyên bao gồm các tộc người Mạ, K’Ho, Jro, M’Nông, v.v. Còn ‘Kòn Cau’ (viết hoa), cách viết này ám chỉ riêng các tộc người miền Nam Cao Nguyên nói riêng.

Về Ban biên tập